

Sìn Hồ là huyện miền núi, địa hình hiểm trở, chia cắt bởi núi cao, vực sâu, tiềm ẩn nhiều khó khăn trong sản xuất và phát triển kinh tế. Toàn huyện có 22 xã, thị trấn, trong đó có 16 xã và 178 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do đó, nguồn vốn vay ưu đãi không chỉ là giải pháp hỗ trợ tài chính mà còn trở thành “chìa khóa” giúp người dân ổn định cuộc sống, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sìn Hồ chuồng trại chăn nuôi của người dân xã Nậm Cha được đầu tư kiên cố.
Hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sìn Hồ đang triển khai 17 chương trình tín dụng ưu đãi trên 22 xã và thị trấn, tổng dư nợ 672 tỷ 886 triệu đồng, hỗ trợ hơn 9.715 lượt hộ nghèo và các hộ chính sách. Nhờ việc quản lý và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của huyện còn 44%, thì đến cuối năm 2024, con số này đã giảm xuống 36,5%. Thu nhập bình quân tăng lên 42 triệu đồng/người/năm, cao hơn 4 triệu đồng so với năm 2023.
Vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, trong đó vốn vay dành cho các hộ sản xuất, kinh doanh đã thúc đẩy hình thành nhiều ngành nghề, xưởng sản xuất, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi, góp phần khai thác thế mạnh tại địa phương. Tại xã Ma Quai thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện, tăng 12% so với năm trước. Chị Vừ Thị Día ở bản Can Tỷ (xã Ma Quai) chia sẻ: “Sau khi được vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, tôi có điều kiện chuyển đổi mô hình nuôi gia cầm theo hướng tập trung, có chuồng trại kiên cố. Chăn nuôi đã trở thành nguồn thu chính của gia đình, cùng với mở rộng chăn nuôi, gia đình tôi đã tái trồng chè chất lượng cao, đây đang là cây trồng thế mạnh của xã.”
Cũng giống như gia đình chị Día, anh Giàng A Dế, ở bản Can Tỷ, xã Ma Quai trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế nhờ vào khoản vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh cho người dân vùng khó khăn. Chia sẻ về câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Dế cho biết: “Tôi dùng tiền để nuôi dê sinh sản kết hợp trồng ngô và cây dược liệu. Có vốn, có kỹ thuật do cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, tôi từng bước cải tạo đất đồi, làm chuồng trại kiên cố. Giờ nhà tôi đã có hơn 150 con dê, và 2ha cây đương quy, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 60 triệu đồng”.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, Phòng Giao dịch NHCSXH Sìn Hồ còn đẩy mạnh tín dụng học sinh sinh viên, chương trình nhà ở xã hội, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… Những khoản vay tuy nhỏ, nhưng kịp thời và đúng lúc, đã giúp nhiều gia đình vững vàng vượt qua khó khăn, có điều kiện cho con cái ăn học, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Đỗ Văn Chung – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sìn Hồ cho biết: “Chúng tôi luôn xác định việc đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng là nhiệm vụ then chốt. Phòng giao dịch đã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn xã, phối hợp chặt chẽ với hội đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… để tổ chức kiểm tra định kỳ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người vay. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, tránh tình trạng vay vốn nhưng sử dụng sai mục đích...”
Với huyện Sìn Hồ, nguồn vốn vay tín dụng không đơn thuần là sự hỗ trợ về tài chính, mà còn là nhịp cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với đồng bào vùng cao. Vốn được “rót” đúng nơi, đúng lúc đã đánh thức tiềm năng thế mạnh nơi đây. Góp sức dựng xây cuộc sống no ấm hạnh phúc.
Tin đọc nhiều

Than Uyên thả 10 vạn cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới

Giữ rừng nơi biên cương Lai Châu

Sức vươn kinh tế tập thể

Nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế ở Đồn Biên phòng Huổi Luông

Điểm sáng trong công tác trồng rừng

Quỹ Tín dụng Nhân dân Nguyễn Huệ: Đại hội Đại biểu thành viên năm 2025
21 năm - Hành trình của "ánh sáng"




