

Là xã biên giới còn nhiều khó khăn, Bản Lang (huyện Phong Thổ) nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành trong việc triển khai các chương trình MTQG dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo… Nhờ đó, xã được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ cây, con giống giúp bà con xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, huyện cũng kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định. Từ năm 2021 đến nay, thông qua Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, xã Bản Lang có 46 hộ được hỗ trợ xây nhà ở với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 59 hộ nằm trong danh sách chờ phê duyệt hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo bền vững, Quỹ Vì người nghèo và nguồn xã hội hóa.
Đồng chí Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Bản Lang chia sẻ: “Nhờ triển khai hiệu quả các chương trình MTQG, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh hơn so với kế hoạch. Năm 2024, xã có 115 hộ thoát nghèo, 20 hộ thoát cận nghèo, không có hộ tái nghèo. Đáng mừng là nhiều hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân của xã đạt trên 43 triệu đồng/người/năm 2024. Đây là động lực lớn giúp bà con tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế”.
Đồng chí Trần Bảo Trung - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn, trong đó 12 xã biên giới, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Triển khai hiệu quả các chương trình MTQG với mục tiêu nâng cao đời sống người dân, huyện tập trung các nguồn vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã; hỗ trợ cây, con giống giúp người dân giảm nghèo hiệu quả; hình thành các mô hình sản xuất tập trung theo hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; liên kết với các công ty, doanh nghiệp đưa người dân đi lao động tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động...
Diện mạo xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) ngày càng khởi sắc nhờ nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình MTQG, các chính sách của tỉnh và nghị quyết chuyên đề của huyện, đến nay, 3.635 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; toàn huyện được đầu tư hạ tầng với 74 dự án xây dựng, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân. Điển hình như: hỗ trợ nước sạch cho 617 hộ, chuyển đổi nghề cho 150 hộ, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các cây trồng thế mạnh như: mít, lê, dong riềng, khoai sọ… tại nhiều xã trong huyện. Đồng thời, các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản tiếp tục được mở rộng, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định. Huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ 860 máy cày, bừa mini cho 17 xã, thị trấn, giúp nâng cao năng suất, giảm sức lao động.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, UBND tỉnh đã nhanh chóng thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp để triển khai đồng bộ 3 chương trình mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”. Giai đoạn 2021-2024, ngân sách trung ương đã phân bổ cho tỉnh Lai Châu 4.648.986 triệu đồng; kế hoạch 2025 còn lại dự kiến là 1.655.303 triệu đồng.
Nhờ nguồn lực này, tỉnh có thêm điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các huyện, thành phố đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với tiềm năng từng địa phương. Một số huyện chú trọng mở rộng sản xuất các loại cây trồng chủ lực như: chè, quế, mắc-ca và phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa. Nhiều địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, kinh tế rừng và hỗ trợ người dân về nhà ở, đất sản xuất, thúc đẩy trồng cây dược liệu như: sâm Lai châu, sa nhân tím... Riêng thành phố Lai Châu tập trung nâng cấp hạ tầng đô thị, cải thiện chất lượng dịch vụ công, hướng tới phát triển bền vững.
Nhờ đó, các công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025. Kết quả đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trung bình 4,09%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 5,49%/năm; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê-tông; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố; 98,3% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đi học đúng độ tuổi; 92% hộ nghèo, cận nghèo có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu đã được hỗ trợ nhà ở.
Anh Tẩn A Phà (bản Bành Phán, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ) là một trong nhiều hộ được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo. Phấn khởi về sự hỗ trợ thiết thực này, anh Phà chia sẻ: “Gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua trâu sinh sản. Hiện tại, trâu đã sinh sản, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập. Tôi thấy chương trình hỗ trợ vốn phát triển kinh tế của Nhà nước dành cho các hộ khó khăn thực sự rất ý nghĩa. Nhờ có nguồn vốn này, gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi phí và dần ổn định cuộc sống”.
Những kết quả trên không chỉ giúp tỉnh thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng mà còn đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Các chỉ tiêu còn lại đang được tỉnh phấn đấu hoàn thành trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Tin đọc nhiều

Nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới

Giữ rừng nơi biên cương Lai Châu

Sức vươn kinh tế tập thể

Nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế ở Đồn Biên phòng Huổi Luông

Điểm sáng trong công tác trồng rừng

Quỹ Tín dụng Nhân dân Nguyễn Huệ: Đại hội Đại biểu thành viên năm 2025
21 năm - Hành trình của "ánh sáng"

'Vén màn' bí ẩn chè cổ núi Tam Đảo thuộc địa phận Thái Nguyên - Kỳ 2: Giống chè Shan quý





