Cách nhận biết túi nilon độc hại
Từ mùi khó chịu
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, chị đã có lần phải vứt thức ăn khi phát hiện ra túi nilon có mùi hôi, hắc khó chịu. Mùi này còn "ám” vào thức ăn khiến cho cả gia đình không ai ăn được.
Khảo sát thực tế cho thấy, có nhiều loại túi nilon khiến người dùng sởn gai ốc. Cụ thể, các loại túi khi cầm lên tay cảm giác có lớp bột dính chặt vào tay khiến tay rít bí. Còn màu sắc cũng như sự đồng đều của lớp nhựa thể hiện sự nham nhở, chỗ màu nhạt, nơi màu đậm, chỗ nhựa dày, chỗ nhựa mỏng, cầm không đều tay.
Túi nilon độc hại đang được sử dụng tràn lan khắp nơi. |
Theo kỹ sư chính Vũ Tân Cảnh, phòng Nghiên cứu vật liệu Polyme – Compozit (Phân viện khoáng sản môi trường và Polyme, Viện Khoa học Vật liệu), hiện nay trên thế giới nhiều quốc gia không chấp nhận sử dụng bao bì Polyme mà ở ta quen gọi là “nilon” hay “túi bóng” để bao gói thực phẩm. Ở Việt Nam vấn đề này rất khó vì mức sống chưa cao và cũng chưa có một loại bao bì nào có đủ sức thuyết phục về mặt thuận tiện và đảm bảo sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng khiến họ bỏ thói quen sử dụng túi nilon.
Các loại túi có các biểu hiện như miêu tả nói trên đều là các loại túi có chất lượng rất thấp. Nếu sử dụng loại này sẽ có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc kiểm soát chất lượng loại bao bì này vẫn đang bị lảng tránh khiến người dân chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Chọn túi có độ dai, mềm và thơm
Theo KS Cảnh, nguyên nhân của hiện tượng trên là do các cơ sở sản xuất sử dụng loại nhựa phế thải sinh hoạt như nhựa y tế, nhựa từ chai lọ, giày dép… dùng đi dùng lại nhiều lần. Mà bản thân nhựa dẻo đòi hỏi phải có sự gia nhiệt sau đó gia công lại mới tạo màng mỏng. Lúc này nhựa tái chế sẽ bị phân hủy nhiều lần gây mất chất lượng. Nhựa tái chế không được rửa sạch, tiệt trùng nên có thể lẫn các tạp chất như đất cát, vi khuẩn hay các hạt nhựa không tan nên rất mất vệ sinh.
Túi nilon tái chế nhiều lần sẽ lẫn rất nhiều tạp chất. |
Ngoài ra, mùi hôi của túi nilon chính là mùi dầu chống dính trong sản xuất. Theo kinh nghiệm, túi bóng càng dính sẽ càng phải chống dính nhiều. Tuy nhiên, khi sử dụng chất này sẽ bị thôi ra. Vị chuyên gia này khẳng định, đối với các sản phẩm túi nilon chất lượng thấp như trên thì dầu để chống dính không thể là dầu đạt chuẩn mà có thể là dầu phế thải, thậm chí là dầu nhớt xe máy đã bị bỏ đi khi màu đen quện.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguy cơ khi dử dụng loại túi nilon, nhất là túi nilon được sử dụng kém chất lượng. Ví dụ, khi đựng thực phẩm sẽ bị khuyếch tán chất độc, nhất là các loại thực phẩm nóng. Theo khoa học, khi nhiệt độ tăng 10 độ C phản ứng tăng 3 lần, như vậy khi nhiệt độ cao khả năng khuyếch tán chất độc càng nhanh. Còn túi bóng loại tốt để đựng dưa cà thì không sao vì nó có chất trơ.
Còn ThS Nguyễn Chí Dũng, trưởng phòng Thực nghiệm, Trung tâm Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm Hà Nội cho biết, túi nilon có rất nhiều loại và chất liệu chủ yếu dựa vào loại nhựa sử dụng trong đó. Người dân có thể nhận biết bằng cảm quan túi nilon tương đối an toàn cho mục đích đựng thực phẩm tươi sống hàng ngày bằng cách: túi nilon tốt sẽ làm bằng nhựa PP hoặc PE, khi kéo sẽ giãn ra nhiều, vò không sột soạt, mùi thơm nhẹ như mùi kem nẻ vì có sử dụng dầu chống dính parapin.
Túi nilon kém chất lượng sẽ bị pha thêm các chất khác để giảm độ nhựa hoặc dùng nhựa kém chất lượng. Loại bao này có độ co giãn kém, giòn, nhanh rách, có mùi hôi hắc vì dùng dầu không rõ chất lượng. Còn quan niệm dùng túi màu trắng sẽ đảm bảo hơn là không đúng vì màu sắc có thể pha hoặc không pha, không ảnh hưởng nhiều.
Theo Eva
Bình luận