Chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”: Những mặt hàng nào sẽ được bán “phá giá”?
Tìm “sâu” hội chợ!
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội không ngần ngại khi chỉ ra những khiếm khuyết từ Hội chợ năm trước (2013): “Nếu chúng tôi làm chặt thì mang tiếng hội chợ, vì trong hội chợ vẫn có hàng rất “chợ”, hàng kém chất lượng bày bán. Điều này làm doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng kém mặn mà…”.
Nhiều loại đặc sản vùng miền sẽ được đưa đến Hội chợ hàng Việt Nam năm 2014. Ảnh: T.G
Cũng nói về hội chợ năm trước đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ hưu trí ở phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội bảo: “Tôi yêu hàng Việt Nam vì muốn làm giàu cho nước mình chứ không chuộng hàng ngoại để làm giàu cho nước ngoài. Tuy nhiên, không ít lần đến với hội chợ hàng Việt Nam để rồi thất vọng. Vì cùng một mặt hàng, cùng chủng loại nhưng mỗi gian một giá bán khác nhau. Tôi lấy ví dụ mặt hàng nông sản như khoai sọ, nơi bán 18.000 đồng/kg, nơi lại bán 25.000 đồng/kg, chỗ lại có giá 28.000 đồng/kg; rồi quần áo cũ nhái hàng mới cũng được bán trong hội chợ… Điều này, khiến cho hội chợ mất giá trị trong mắt người tiêu dùng”.
Một doanh nghiệp bán sữa cũng than rằng, theo quy định thì hội chợ trước đây mở cửa từ 8 - 21h nhưng nhiều lúc chỉ đến 20h đã bị đề nghị dọn hàng để nghỉ dẫu khoảng thời gian trước đó hội chợ rất vắng người. Nguồn điện cung cấp cho hội chợ năm trước cũng không đảm bảo khiến việc bảo quản sữa gặp khó khăn…
Nhiều ý kiến cho rằng tại các hội chợ trước, không ít mặt hàng không có xuất xứ Việt Nam cũng có mặt trong hội chợ hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, gian hàng trưng bày hàng thật - hàng giả của Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội dẫu tạo được sự chú ý song cũng được đánh giá là còn thiếu sót như cần ghi chú rõ hơn cách phân biệt hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, v.v.
Sẽ có hàng chất lượng bán “phá giá”
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng thừa nhận vẫn còn thiếu sót ở các hội chợ trước đây và khẳng định quyết tâm mang đến nhiều mặt hàng chất lượng tốt, giá tốt trong Hội chợ hàng Việt Nam năm 2014. Theo bà Lan thì: “Điểm mới của hội chợ năm nay là ưu tiên tập trung quảng cáo cho những sản phẩm có thương hiệu mạnh; Hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nhỏ, làng nghề truyền thống; Thực hiện liên kết vùng, để các đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề của nhiều tỉnh được đưa về giới thiệu tại hội chợ; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đầu vào, không phải tất cả các danh sách giới thiệu đều được đưa vào hội chợ mà có chọn lọc nghiêm ngặt”.
Đại diện Ban tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam năm 2014 cho biết: “Mục tiêu của việc tổ chức hội chợ năm nay là mang đến hàng chất lượng tốt với mức giá tốt nhất. Thậm chí, sẽ có nhiều mặt hàng bán “phá giá” như ngành hàng thời trang, nông sản… Vì vậy, song song với việc vận động các doanh nghiệp tham gia Hội chợ hàng Việt Nam 2014, Ban Tổ chức cũng khuyến khích những doanh nghiệp có chương trình bán hàng với giá hấp dẫn cho người tiêu dùng. Mức giảm giá sẽ khá hấp dẫn từ 10- 50%”.
Thực tế cho thấy, hiện nay có khá nhiều mặt hàng Trung Quốc chất lượng kém “mượn áo” hàng Việt Nam để tiêu thụ, đủ thấy hàng Việt Nam đang dần khẳng định uy thế và vị trí của mình đối với người tiêu dùng.
Hiện tại, Sở Công Thương Hà Nội đã mời 63 tỉnh, thành cùng tham gia Hội chợ lần này. Đáng chú ý như các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Cao Bằng… các doanh nghiệp sẽ mang đến Hội chợ đặc sản vùng miền, hàng thủ công mỹ nghệ… Ninh Thuận mang đến các loại trái cây đặc sản như nho, táo; Cao Bằng mang đến các mặt hàng về nông sản như mật ong rừng, vừng đen, nấm, dao kéo bằng thép; Hải Dương với bánh đậu xanh, bánh gai…
Với quyết tâm chặn hàng kém chất lượng, kiểm tra gắt gao việc niêm yết giá, bán giá hấp dẫn… hy vọng rằng người dân có thể thật sự được hưởng lợi từ chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” lần này.
Theo Mai Hạnh/giadinh.net
Bình luận