Dịch vụ 3G bị người dùng quay lưng vì cước phí không đi cùng chất lượng
Theo các chuyên gia, ba nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone đều là doanh nghiệp nhà nước. Với con số hàng chục ngàn tỷ đồng lợi nhuận mà các nhà mạng này thu được mỗi năm, Nhà nước cần thu về cổ tức.
Quay lưng với 3G
Không chấp nhận việc các nhà mạng liên tục tăng giá cước 3G nhưng chất lượng dịch vụ vẫn không được cải thiện, nhiều nhóm người dùng đã tẩy chay dịch vụ 3G.
Ngay sau thời điểm tăng cước, trên các trang mạng xã hội và diễn đàn liên tục xuất hiện những lời kêu gọi người dùng hủy dịch vụ 3G.
Chẳng hạn, một thành viên của “hội những người tẩy chay dịch vụ 3G khi nhà mạng tăng cước” trên Facebook kêu gọi: “Tôi rất bức xúc vì đợt tăng giá cước lần này, nếu tốc độ 3G được cải thiện thì không sao, đằng này tốc độ của mạng hiện chỉ cao nhất là 2,5G chứ đừng nói là 3G. Nhà mạng hãy tăng tốc độ đường truyền đi đã rồi hãy tính đến việc tăng giá cước”.
Một thành viên khác nói: “Có kêu ca họ cũng không nghe. Hãy thể hiện bằng hành động, hủy và không gia hạn các gói cước. Các bạn đăng ký đồng nghĩa chấp thuận với họ việc tăng cước mà không hề tăng chất lượng dịch vụ”...
Nhiều người dùng đã chuyển sang lắp đặt Internet tại nhà và có phát sóng WiFi để tiện dụng trên điện thoại di động. Anh Hoài Vũ (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Sau khi nhà mạng tăng giá, tổng cước 3G của ba chiếc điện thoại và hai USB 3G của gia đình tôi bị đẩy lên thêm hơn nửa triệu đồng. Tháng 11 nhà tôi phải trả gần 1 triệu đồng, quá khủng khiếp. Tháng 12 tôi quyết định chuyển sang lắp Internet WiFi để dùng cho cả nhà với cước phí trọn gói chỉ 200.000 đồng/tháng. Mình chịu khó không truy cập Internet khi di chuyển, về nhà sử dụng vừa rẻ mà tốc độ truy cập lại ổn định hơn”.
Nhiều gia đình ở các khu chung cư hoặc nhà trọ cũng hợp tác lắp đặt Internet WiFi và chia sẻ dùng chung nhằm hạn chế tối đa chi phí.
Tương tự, chị Thanh Huyền (Q.12, TP.HCM) chia sẻ cách tiết kiệm khi buộc phải dùng Internet cho công việc: “Hiện hầu hết công sở đều đã có WiFi. Khi ở nhà thay vì hai vợ chồng xài 3G, đăng ký gói hết 140.000 đồng/tháng, tốc độ truy cập chập chờn, tôi đã lắp đặt Internet thuê bao chỉ 119.000 đồng/tháng. Mua thêm bộ phát WiFi chỉ vài trăm ngàn đồng là xài rất ổn. Hai nhà hàng xóm xài chung luôn. Cứ lần lượt mỗi nhà trả cước một tháng. Như vậy tiết kiệm hơn nhiều xài 3G nên tôi cắt 3G từ khi nhà có WiFi”.
Nhà mạng phải minh bạch các thông tin
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng khi tăng giá cước 3G, các nhà mạng phải biết trước người tiêu dùng sẽ rất bức xúc. Nhưng vì họ nắm vị thế độc quyền nên bất chấp.
Theo ông Sơn, ngành viễn thông xưa nay nói là đã có cạnh tranh nhưng đợt tăng cước này cho thấy không còn sự cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt ở dịch vụ 3G.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), cho rằng cần có một cuộc cách mạng trong ngành viễn thông để hạn chế độc quyền, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và hiệu quả đầu tư của Nhà nước.
Theo ông Hải, với con số lợi nhuận 27.000 tỷ đồng trong năm 2012 của Viettel, 8.500 tỷ đồng của VNPT (chủ yếu từ MobiFone và Vinaphone) và con số lợi nhuận của năm 2013 dự kiến còn tăng hơn nhiều, Nhà nước có thể thu được hàng tỷ USD cổ tức mỗi năm. Số tiền này cần được chuyển về ngân sách.
Theo ông Hải, không minh bạch thông tin khiến các nhà mạng dễ dàng tăng cước và người tiêu dùng luôn bị thiệt thòi. Vì thế, cần làm theo thông lệ quốc tế để quản lý những doanh nghiệp ở vị thế độc quyền, Nhà nước phải yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên công khai báo cáo tài chính, chi tiết các khoản thu, lợi nhuận trong từng dịch vụ, công bố các khoản chi phí ở mức vừa và lớn đi kèm với suất đầu tư, đơn giá để người tiêu dùng kiểm soát giá thành.
Song song đó, các nhà mạng cần công bố thu nhập thực tế của cả lãnh đạo và nhân viên; điều trần, giải trình với cơ quan quản lý mỗi khi muốn tăng cước dịch vụ.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cổ phần hóa và niêm yết là con đường duy nhất để quản lý tốt tài sản nhà nước. Khi cổ phần hóa, cần tách doanh nghiệp ra khỏi cơ quan quản lý chuyên ngành, giao về cho một đơn vị khác.
Theo Theo Tuổi trẻ/giadinh.net
Bình luận