Hàng hóa chậm giảm giá: Cần hành động mạnh mẽ của cơ quan quản lý
Thay vì nỗi lo tăng giá vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sự thiệt thòi lại đang nghiêng về phía người tiêu dùng khi giá cả hàng hóa chậm điều chỉnh giảm theo diễn biến giá xăng, dầu. Trong khi đó, ngay sau khi xăng, dầu tăng giá, một mặt bằng giá mới cao hơn thường nhanh chóng được thiết lập mà không cần bất kỳ sự nhắc nhở nào từ phía cơ quan quản lý.
Hàng hóa chậm giảm giá khiến người tiêu dùng lo lắng khi dịp Tết Nguyên đán đến gần. Ảnh: Đàm Duy
Siêu thị "khóa giá" để hút khách
Sau một tháng xăng, dầu liên tiếp giảm mạnh theo giá thế giới, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vốn rất nhạy cảm với giá xăng vẫn giữ nguyên mức cũ. Tại các chợ truyền thống của Hà Nội, mặt hàng rau xanh như: Muống, cải xoong, cải cúc dao động ở mức 5.000-8.000 đồng/mớ. Khoai tây 15.000-17.000 đồng/kg, cà chua 18.000-20.000 đồng/kg. Thịt bò 210.000-220.000 đồng/kg, thịt lợn 90.000-100.000 đồng/kg, thịt gà ta ở mức 150.000 đồng/kg... Giá gạo tẻ loại ngon giữ nguyên mức 17.000-22.000 đồng/kg. Riêng giá trứng gà, trứng vịt có thời điểm còn tăng 500 đồng/chục tùy chủng loại. Theo lý giải của các tiểu thương, mặc dù giá xăng giảm, nhưng các đầu mối vẫn giữ nguyên giá bán buôn nên đa số mặt hàng vẫn giữ nguyên giá bán. Điều này đã khiến kỳ vọng của người tiêu dùng về việc hàng hóa sẽ hạ nhiệt theo giá xăng trở nên xa vời.
Nhận xét về tình trạng giá lương thực, thực phẩm chây ỳ, không giảm giá, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, thực trạng này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giá như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và cơ quan quản lý thị trường (Bộ Công thương) phải sớm vào cuộc. Chúng ta không đến nỗi phải can thiệp vào giá một quả chanh hay mớ rau nhưng với giá lương thực, thực phẩm, giá cước vận tải, thuốc chữa bệnh, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thì phải làm và làm triệt để. Đơn cử ở Đức, trong những trường hợp tương tự, cơ quan quản lý giá của Nhà nước sẽ áp dụng nguyên tắc: Giá thành + lợi nhuận hợp lý = giá bán. DN nào bán cao hơn, Nhà nước sẽ thu khoản chênh lệch. Điều này Luật Giá của chúng ta cũng cho phép. Để thực hiện, cần áp dụng nguyên tắc này với những tập đoàn kinh tế lớn và với giá những mặt hàng thiết yếu. Khi làm tốt với các đầu mối lớn thì giá các mặt hàng khác sẽ giảm theo.
Nhận xét về giá hàng hóa trong siêu thị, ông Vũ Vinh Phú khẳng định, giá hàng hóa tại đây đang trong tình trạng "đóng băng", không hề giảm. Nguyên nhân là do tại các siêu thị lớn, có tới 90% hàng hóa là ký gửi của nhà cung cấp. Siêu thị chỉ hưởng hoa hồng trên giá bán nên đàm phán giảm giá rất khó khăn. Với 10% hàng hóa còn lại do các siêu thị tự thu mua thì họ chỉ có thể cố gắng tiết giảm chi phí để giảm giá phần nào cho khách hàng.
Trong khi các cơ quan quản lý chưa có những động thái quyết liệt nhằm thực thi pháp luật về giá thì một số siêu thị đã có những chiến lược về giá thành nhằm thu hút khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Đại diện siêu thị Big C cho biết, Tết là giai đoạn người tiêu dùng chi tiêu nhiều nhất, nhưng đây cũng là thời điểm giá cả tự do trên thị trường có biến động lớn. Để thu hút khách hàng, từ ngày 30-12-2014 cho đến hết ngày 20-2-2015, Hệ thống siêu thị Big C niêm yết giá không đổi cho tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh và sản phẩm thuộc ngành hàng vải sợi, điện máy và đồ gia dụng. Đây là những loại hàng hóa chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa bày bán tại siêu thị. Giá không đổi này sẽ được giữ cố định như đã niêm yết ngay cả khi giá tham khảo của các sản phẩm này tại các siêu thị bán lẻ hiện đại khác biến động tăng dù bất cứ lý do gì.
Chậm giảm giá, doanh nghiệp mất cơ hội
Về lý thuyết, DN chậm điều chỉnh giảm giá hàng hóa theo xăng, dầu nhằm níu giữ lợi nhuận ở mức cao. Song thực tế không hoàn toàn như vậy. Theo ông Vũ Vinh Phú, năm 2014, tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ ước tăng 6,5% nhưng chưa thể vội mừng với con số này bởi tồn kho của DN hiện rất lớn. Với mức lương công nhân trên dưới 3 triệu đồng/tháng, tỷ lệ thất nghiệp năm qua cũng tăng gần 10% so với năm 2013, việc người dân phải thắt chặt chi tiêu để dành tiền cho các nhu cầu như thuốc men, khám chữa bệnh là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, mặc dù dự báo sức tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tới đây sẽ tăng 5-10% song sẽ không thể vượt qua doanh số của cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh như vậy, nếu DN không chớp lấy thời cơ cuối năm kèm theo việc giá xăng giảm mạnh để điều chỉnh giá bán, thu hút khách hàng thì họ cũng sẽ mất cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và tăng doanh thu vào dịp mua sắm lớn nhất trong năm.
Tại cuộc họp về công tác quản lý, điều hành giá năm 2014 và định hướng quản lý, điều hành giá năm 2015 cuối tháng 12-2014 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao cho Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong những dịp lễ, Tết. Chỉ thị về bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ để tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá mặt hàng vào các thời điểm, nhất là trong dịp trước và sau Tết. Bên cạnh đó, Bộ cần chủ động kiểm tra giá cước vận tải phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu nhằm hạn chế tình trạng neo giá bất hợp lý.
Dư luận đang chờ đợi những hành động mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý về giá và thị trường nhằm đưa mặt bằng giá về mức hợp lý, qua đó thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo Hương Ly/hanoimoi/ cap nhat 06:42 Thứ Ba ngày 06/01/2015
Bình luận