Khi hàng lậu cũng bị giả danh
Quần bò – loại hàng Tàu mác Việt bán ê hề tại chợ TP Hà Tĩnh.
Tại những nơi này, tràn lan hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng lại lập lờ dưới nhãn mác hàng Việt. Thậm chí, hàng lậu “xịn” cũng đã và đang bị… giả danh!
Một cái quần, hai loại nhãn
Chúng tôi tới chợ trung tâm TP Hà Tĩnh, nơi được coi là chợ đầu mối của tỉnh Hà Tĩnh để tìm mua đồ áo. Hàng hóa ở đây khá đa dạng, đặc biệt là các mặt hàng thời trang may sẵn. Cầm trên tay một chiếc quần bò có giá khá mềm, chị Ngọc trú tại thị trấn Nghèn, Can Lộc (Hà Tĩnh) bảo: “Em xem hộ chị có phải hàng Trung Quốc không. Nghe đài báo nói về các loại hóa chất có trong hàng hóa chị sợ lắm”. Tôi chưa kịp trả lời chị Ngọc thì bà chủ quầy hàng nơi chúng tôi đang xem cáu bẳn: “Giờ không mua hàng Trung Quốc thì lấy gì mà mặc. Cứ tránh hàng Trung Quốc thì lại gặp hàng giả Việt đấy”.
Nghe không thủng, chị Ngọc và chúng tôi lặng lẽ tìm tới một quầy bán quần áo khác. Tại đây, khi cầm lên xem, điều lạ là một loạt quần bò, áo sơ mi giá khá mềm đều gắn mác MADE IN VIỆT NAM. Tuy nhiên, khi cẩn thận xem kỹ, lật ở bên trong chúng tôi phát hiện ngoài cái mác bằng giấy to tướng ghi nơi sản xuất là Việt Nam đó, còn có một cái mác vải nhỏ với dòng chữ MADE IN CHINA. Không chỉ đây, tại rất nhiều quầy hàng khác, chuyện hàng thời trang có hai nhãn mác như thế khá phổ biến. Chị Thành, 37 tuổi, một chủ cửa hàng quần áo tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Tôi nhập hàng tại chợ Đồng Xuân, chủ yếu là hàng Trung Quốc thôi vì mẫu mã đẹp, giá rẻ. Hàng Việt Nam thì ít lắm, đa phần là quần áo vải”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, để che mắt người tiêu dùng các nhà buôn hợp thức hóa những sản phẩm quần áo xuất xứ Trung Quốc bằng những mác giả ở ngoài là hàng Việt Nam. Chỉ với cái mác bằng giấy MADE IN VIỆT NAM to đùng ở ngoài, người dân quê an tâm mua sản phẩm đó mà không đắn đo dù trên thực tế chiếc quần, áo đó đã bị “phù phép” sang hàng Việt Nam. Nếu chịu khó quan sát, ẩn trong chiếc quần (áo) đó còn có một chiếc mác vải được may kèm theo, thông tin trên hai nhãn mác này hoàn toàn khác nhau, cũng như nguồn gốc của chiếc quần áo đó.
Giả danh “hàng lậu xịn”
Bà Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương tại chợ thị trấn Phố Châu, Hương Sơn (Hà Tĩnh) bảo rằng: “Hiện nay, ngay cả các loại đồ được coi là “hàng lậu” tại khu vực cửa khẩu giáp Lào này cũng đều là hàng Tàu cả”. Theo bà Hoa thì một số loại đồ như máy xay sinh tố, phích điện, nồi cơm điện, quạt các loại, bàn là hơi nước… bày bán ở các chợ gần biên giới Việt Lào của huyện Hương Sơn như chợ thị trấn Tây Sơn, chợ Phố Châu… cũng đa phần là hàng Trung Quốc. Điều đáng nói là các loại hàng này thường được gắn các mác in bằng chữ “giun dế” loằng ngoằng kiểu như chữ Thái, chữ Lào để đánh lừa người tiêu dùng. Các tiểu thương thì bật mí rằng, họ đánh hàng ở chợ biên giới về, biết thừa đó là hàng Trung Quốc “mông má nhãn mác” nhưng người tiêu dùng thì rất khó biết nên vẫn bán được.
Hiện nay hàng loạt hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc đang được người dân loại ra khỏi danh sách hàng tiêu dùng của mình vì phát hiện có chất gây hại cho sức khỏe như: Áo ngực gây ngứa, quần bò dùng chất nhuộm vải gây ung thư, đồ chơi trẻ em chứa chất độc, sữa chứa Melamine, rau, củ, quả tẩm hóa chất bảo quản độc hại…. Người tiêu dùng đã có những biện pháp ứng phó với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi người dân bắt đầu có ý thức thì lại xuất hiện nhiều thủ đoạn mới nhằm lập lờ đánh lận con đen về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Các thương lái không chỉ đánh hàng về bán mà thậm chí còn “đặt hàng” với các mẫu đồ mang nhãn mác Việt nhằm lừa bịp người tiêu dùng.
Không phải hàng Trung Quốc chỉ ở các vùng tỉnh xa mà tại các chợ đầu mối cung cấp quần áo cho các tiểu thương tỉnh lẻ cũng tràn lan hàng nhái nhãn mác Việt. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm đến chợ vải Ninh Hiệp (Bắc Ninh), chợ đầu mối quần áo, vải vóc lớn của miền Bắc thì tình trạng quần bò với mác ngoài MADE IN VIET NAM bên trong MADE IN CHINA vẫn được bày bán đầy rẫy. Nhiều cửa hàng tử tế hơn thì treo biển “hàng Quảng Châu giá rẻ” nhưng trên thực tế đa phần là hàng thấp cấp, giá rẻ, thậm chí là đồ gia công vội.
Theo Bảo Thanh – Ngô Chuyên (giadinh.net)
Bình luận