Phích Tàu có 'chất lạ': Bán tràn lan, nhiều người bị bỏng
Bán tràn lan
Chủ cửa hàng tên A.T cho biết nếu mua số lượng trên 20 chiếc, chỉ còn 50.000 đồng một chiếc. Loại dung tích lớn hơn, 0,5 lít thì giá bán 70.000 đồng/chiếc, mua nhiều chỉ còn 65.000 đồng.
Người bán hàng tên Th. ở chợ Đồng Xuân cho biết phích nước loại này có mặt ở chợ Đồng Xuân ít nhất là 3 năm nay. Chiếc phích nước được mua tại Hà Nội có hình dáng bề ngoài giống hệt những chiếc phích chứa "chất lạ" mà bà con xã Tiên Phong, H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam phát hiện mới đây.
Hộp chiếc phích có ghi dòng chữ tiếng Anh “High grade vacuum flash” (tạm dịch: Phích nước chân không chất lượng cao), không ghi nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đáy hộp ghi rõ “Made in China”.
Chiếc phích làm bằng hợp chất, bề ngoài sáng như nhôm nhưng cực kỳ nhẹ. Có nắp, phần nhựa ở trên miệng phích để khi nhấn tay vào nước chảy ra. Lắc nhẹ chiếc phích có thể thấy rõ tiếng kêu lạo xạo ở dưới đáy.
Không hề mất chút công sức nào, chúng tôi lấy đầu mũi kéo lay nhẹ vào phần đáy chiếc phích, phần đáy đã bung ra, chất lạ được buộc sơ sài trong một cái túi nilon rơi xuống.
Chúng tôi đã thử mở phích và ngửi thấy ruột phích có mùi rất khó chịu, cảm giác nôn nao, đau đầu.
Phần chất giống như bột có màu nâu cà phê, mềm, mịn như cát và khi ngửi cũng thấy có mùi khó chịu không kém. Phần chất lạ này chỉ được buộc trong một cái túi nilon rất đơn giản. Khi lắc mạnh tay chiếc phích nhiều lần, phần nilon này dễ dàng bung ra.
Nhiều người mắc họa
Chuẩn bị cho chuyến đi chơi xa, chị Ngô Thục Anh ( trú tại số 14b/6, Vạn Phúc, Hà Nội) chuẩn bị mang theo nước nóng để pha sữa cho cô con gái 2 tuổi. “Tôi lấy nước đã được đun sôi cho vào chiếc bình giữ nhiệt mới mua mấy ngày trước ở một cửa hàng đồ gia dụng trên phố Đội Cấn. Vì ít sử dụng nên tôi chỉ mua loại vừa túi tiền. Thật kinh khủng, tôi suýt làm bỏng con vì chiếc bình giữ nhiệt ấy”, chị Thục Anh nhớ lại.
Theo bà mẹ trẻ này, cứ nghĩ chiếc bình đó đã được cách nhiệt an toàn, nên chị liền cho vào balo đồ dùng của con. Tuy nhiên khi ngồi trên xe bé hiếu động nên đã lấy ra chơi và bỗng nhiên khóc ré lên khiến tất cả mọi người thảng thốt. “Chiếc bình bị đánh rơi xuống sàn xe, tôi liền cúi xuống nhặt theo phản xạ vội buông tay ngay, chiếc bình nước nóng bỏng tay…”, chị Thục Anh kể. Chiếc bình giữ nhiệt chị Thục Anh mua có xuất xứ từ Trung Quốc và có giá 45.000 đồng.
Theo khảo sát của PV, hiện nay trên thị trường bình nước giữ nhiệt có khá nhiều chủng loại, thương hiệu được nhập từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan,… Giá bán do vậy mà cũng khác nhau. Nếu như một chiếc bình giữ nhiệt hiệu Zojirushi của Nhật có giá 480.000 đồng, hàng có xuất xứ Đài Loan có giá 95.000 đồng, thì bình nước giữ nhiệt Trung Quốc chỉ có giá 45.000 đồng/một sản phẩm 0,5l.
Theo TS Phạm Đức Thắng, Phân viện Vật liệu khoa học kim loại (Viện Khoa học Vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), bình nước giữ nhiệt có cấu tạo ở giữa 2 thành phích giúp nó hạn chế trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài, như vậy khhoảng không bên trong phích hoàn toàn được cách ly về nhiệt với không khí bên ngoài, nếu sản phẩm không đảm bảo được yếu tố trên thì không đạt yêu cầu cho việc giữ nhiệt.
Hiện nay trên thị trường cũng có nhiều loại bình nước giữ nhiệt làm từ nguyên liệu inox, tuy nhiên theo ý kiến của TS Phạm Đức Thắng, trên thị trường hiện nay có nhiều loại inox giả. Chất liệu chính của các sản phẩm này có thể là thép hoặc tôn sắt, mạ ngoài bằng một lớp đồng, niken và crom mỏng. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của sản phẩm.
Hướng dẫn về cách nhận biết bình nước giữ nhiệt sử dụng inox đạt chất lượng, TS Thắng cho rằng, có thể phân biệt inox "xịn" và inox mạ bằng độ sáng bóng của vật liệu. Inox mạ thường có độ bóng sáng loáng trong khi inox "xịn" có màu sáng nhờ nhợ.
“Ngoài ra, người tiêu dùng có thể thử bằng cách sử dụng nam châm. Tùy vào thành phần inox mà các sản phẩm inox "xịn" hoặc là không hút từ hoặc nếu có chỉ hút nam châm nhẹ, khi kéo ra lực ở tay sẽ rất nhẹ nhàng. Còn inox mạ sẽ có độ hút mạnh, thậm chí chỉ đưa đến gần đã nghe tiếng "tạch" vì nam châm bị hút vào kim loại. Khi lấy nam châm ra sẽ thấy lực hút ở tay rất mạnh. Những người có kỹ thuật cũng có thể sử dụng axit nóng khoảng 70 độ để kiểm tra chất lượng inox. Nếu là inox mạ crôm sẽ đen sì, trong khi inox tốt vẫn giữ nguyên màu sắc”. TS Thắng nói.
Khác với kết cấu của phích thông thường
Theo một kỹ sư phòng Quản lý chất lượng của một công ty chuyên về bóng đèn, phích nước, cấu tạo của ruột phích được làm bằng lớp thủy tinh mạ Nitơrát bạc để phản chiếu bức xạ nhiệt.
Bên ngoài là lớp vỏ bằng kim loại hoặc bằng nhựa. Chính giữa là chân không để không bị truyền nhiệt. Sau khi hút hết không khí để tạo chân không, nhà sản xuất hàn đáy bình thủy tinh lại, tạo thành "nốt ruồi" thủy tinh ở đáy bình, nếu nốt bị vỡ, không khí tràn vào, giữa 2 thành của ruột bình sẽ bình mất tác dụng. Ngoài ra, để bình không bị vỡ, phần đáy bình giữa lớp trong và ngoài là đệm mút cao su.
“Việc thay lớp đệm cao su bằng chất bột là hơi lạ. Khả năng đây là loại bình chất lượng kém, nhà sản xuất Trung Quốc dùng lớp bột thay thế cao su để hạ giá thành. Tuy nhiên, việc đặt chất lạ vào bên trong có thể gây phát tán ở nhiệt độ thường và nhiệt độ cao. Nếu thẩm thấu vào nước có thể gây mất an toàn, độc hại cho người sử dụng. Muốn biết đây là chất gì cần phải đưa đến phòng thí nghiệm hóa học để kiểm tra”, vị kỹ sư này nói.
Chất lạ trông giống như cát
Đó là nhận định sơ bộ ban đầu của tiến sĩ Trần Thượng Quảng, Viện kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội về chất lạ dưới đáy phích Trung Quốc.
Tiến sĩ Quảng cho hay, nguyên lý hoạt động của những chiếc phích nước giữ nhiệt này phải có lớp chân không. Nhà sản xuất phải rút toàn bộ không khí trong phích ra, đảm bảo vỏ ngoài của chiếc phích thật kín để nhiệt không thể tản ra ngoài. Nhưng việc này đảm bảo kỹ thuật cao và giá thành cao.
“Túi cát có thể giảm tỏa nhiệt. Thứ nữa, nhiệt truyền từ nước vào túi cát rồi giữ ở đó, khiến tay chúng ta sờ vào phích lúc nào cũng thấy ấm, ta tưởng là nước trong phích nóng. Đó là một sự đánh lừa người tiêu dùng”, ông Quảng nói.
Theo PV (Chất lượng Việt Nam/Vietnamnet)
Bình luận