Thứ năm, 16/01/2025, 14:33 [GMT+7]

Phải chăng dầu ăn quen lãi đậm?

Thứ sáu, 12/04/2013 - 08:02'
Việc Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) nộp đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh, yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ với dầu ăn nhập khẩu vì giá sốc đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Phải chăng dầu ăn quen lãi đậm?  1

Giá dầu ăn nhập khẩu rẻ vẫn luôn được bán với giá cao ngang bằng với dầu ăn trong nước. Ảnh minh họa.

Người hoài nghi chất lượng dầu nhập khẩu, người lại nghi vấn các doanh nghiệp sản xuất dầu nội địa quen lãi đậm, khó chịu khi “kém miếng”.

Lợi “khủng” ai hưởng?

Việc áp thuế nhập khẩu 0% đã giúp nhiều mặt hàng dầu ăn xuất xứ từ Malaysia, Singapore, Indonesia... ồ ạt vào Việt Nam. Điều này khiến các nhà sản xuất dầu ăn trong nước điêu đứng, không những vậy, người tiêu dùng trong nước cũng không được hưởng lợi vì giá bán lẻ dầu nhập khẩu không hề rẻ.

Trong khi đó, thông tin từ Hải quan các cửa khẩu tại TPHCM cho hay, dầu đậu nành tinh luyện nhập khẩu qua các cửa khẩu này năm 2012 trung bình chỉ khoảng 13.000 đồng/lít, dầu cọ tinh luyện giá khoảng 12.700 đồng/lít, nhóm hàng dầu cọ tinh luyện có quy cách đóng gói không quá 20kg/sản phẩm giá chừng 17.200 đồng/lít. Năm 2013, giá nhập khẩu dầu ăn có tăng lên nhưng không đáng kể, chỉ thêm khoảng 1.000- 2.000 đồng/lít. Cơ quan Hải quan cũng cho biết những nhóm hàng này chủ yếu có nguồn gốc từ các nước ASEAN vì đây là khu vực đang được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.

Với lợi thế giá nhập khẩu “siêu rẻ” so với giá dầu nội địa nên lượng dầu nhập khẩu về Việt Nam tăng chóng mặt qua các năm và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2013.

Tuy vậy, dù giá nhập khẩu siêu rẻ nhưng người tiêu dùng lại không hề được hưởng lợi do giá bán lẻ những loại dầu nhập khẩu này vẫn đắt ngang bằng với giá dầu nội địa. Giá dầu ăn nhập khẩu cũng có mức giao động từ 38.000 - 45.000 đồng/lít, như dầu Sailing boat, Knife của Singapore, Fimifie của Malaysia, Tropical của Inđonesia… Các nhãn hiệu dầu ăn sản xuất trong nước như Thực vật Tường An, Neptune, Meizan... cũng 33.000 - 45.000 đồng/lít. Như vậy việc nhập khẩu giá rẻ các loại dầu ăn, lợi nhuận lớn nhất lại thuộc về tay các trung gian, tiểu thương và các nhà phân phối.

Trong vai người mua hàng, chúng tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hà, chủ đại lý bán hàng tổng hợp phố Dương Quảng Hàm (Hà Nội) về giá một chai dầu ăn 2 lít có xuất xứ Thái Lan, chị Hà cho biết giá bán chai dầu đó là 82.000 đồng.  Chúng tôi thắc mắc: Giá dầu này nhập khẩu chỉ 13.000 đồng/lít, sao chị lãi đến 3- 4 lần thế?”. Chị Hà phân trần: “13.000 đồng? Bán ở đâu nói chị đến đó nhập em ơi, mỗi chai dầu chị chỉ lãi tí tí thôi”. “Tí ti là bao nhiêu chị, 10.000, 20.000 hay 30.000 đồng?”. “Lãi được thế thì chị giàu to, chỉ 2.000-3.000 đồng/lít thôi”. Một số loại dầu ăn nhập khẩu bán tại đại lý của chị Hà chúng tôi tham khảo cũng có giá tương tự.

Rời đại lý của chị Hà, chúng tôi băn khoăn không biết chị giấu nghề hay tiểu thương cũng không phải là địa chỉ thổi giá dầu ăn?

“Mất lợi”  hay muốn độc quyền?

Khi chúng tôi đem băn khoăn về chất lượng dầu ăn ngoại nhập bày tỏ với một vị đại diện Tổng cục Hải quan, vị này cho biết: “Điều kiện về chất lượng để hàng hóa được thông quan khá gắt gao. Hàng hóa phải đạt chất lượng thì mới được thông quan. Hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về chất lượng chỉ được thông quan khi cơ quan kiểm tra về chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu do cơ quan Hải quan cho phép tạm thời thông quan trước, kiểm tra chất lượng sau thì cơ quan Hải quan chỉ cho tạm thời thông quan sau khi người nhập khẩu hàng hóa đã đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu tại cơ quan kiểm tra”.

“Hơn nữa, sau khi được tạm thời thông quan, người nhập khẩu phải liên hệ với cơ quan kiểm tra để thực hiện việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục chính thức thông quan khi hàng hóa đáp ứng yêu cầu về chất lượng để hàng hóa nhập khẩu được thông quan. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu do cơ quan Hải quan cho phép tạm thời thông quan trước, kiểm tra sau thì người nhập khẩu không được phép đưa hàng hóa đó ra lưu thông trên thị trường nếu chưa hoàn thành việc kiểm tra chất lượng”, vị đại diện này cho biết thêm.

Một số chuyên gia được hỏi thì bày tỏ rằng, hàng hóa đã được Hải quan cho thông quan họ hoàn toàn tin tưởng về chất lượng. Có chăng là do các doanh nghiệp sản xuất dầu nội địa quen ăn lãi đậm. Việt Nam là nước nông nghiệp, các nguyên liệu sản xuất dầu ăn có sẵn trong nước với mức giá khá hợp lý, không hiểu tại sao giá dầu ăn nội địa lại được bán với mức quá cao? Việc Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam nộp đơn đến Cục Quản lý Cạnh tranh, yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ với dầu ăn nhập khẩu là lo sợ bị lép vế, không cạnh tranh nổi hay quen ăn lãi đậm muốn độc quyền?

Thiết nghĩ, nhân sự kiện này các cơ quan chức năng nên vào cuộc kiểm tra thị trường dầu ăn gắt gao hơn cả về chất lượng và giá thành. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn minh bạch giá thành để tránh trường hợp người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt.

Theo Mai Hạnh (giadinh.net)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...