Chủ nhật, 12/01/2025, 08:28 [GMT+7]

Siết chặt hoạt động kinh doanh gas

Thứ sáu, 14/03/2014 - 08:13'
Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết đã có văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Theo đó, sau ngày 30-6, các cơ sở kinh doanh không đáp ứng quy định sẽ bị mạnh tay xử lý. 

"Siết" điều kiện kinh doanh 

Theo Văn bản số 290 về chấn chỉnh hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn do Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa ban hành thì kinh doanh gas phải được xác định lại hình thức phân phối và kiểm soát phân phối. Theo phân tích của ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh - người ký văn bản trên, việc quản lý kinh doanh LPG đang được thực hiện và quản lý theo Nghị định 107/2009/NĐ của Chính phủ và Thông tư số 11/2010/TT-BCT của Bộ Công thương. Từ khi có Nghị định 107, công tác sản xuất, kinh doanh gas trên địa bàn có thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn những "lỗ hổng" khiến các sự cố như: Buôn bán gas lậu, sang chiết trái phép, chiếm dụng vỏ bình… vẫn xảy ra. Thế nên Công văn 290 sẽ cụ thể hóa Nghị định 170 và Thông tư 11. 

Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh gas ở Quận 8.

Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh gas ở Quận 8.

Cụ thể, Nghị định 107 chỉ quy định điều kiện cho các thương nhân kinh doanh gas cấp I, tổng đại lý, đại lý mà chưa quy định xác nhận đủ điều kiện. Người kinh doanh gas chỉ căn cứ điều kiện tự xác định mình thuộc loại thương nhân nào đã nảy sinh những trường hợp chưa đáp ứng đủ điều kiện vẫn kinh doanh, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Nghị định 107 cũng chỉ điều chỉnh đến đại lý mà chưa điều chỉnh đến các hộ kinh doanh cá thể trong khi số lượng này rất đông, khó quản lý. Mặt khác, việc tạm ngưng cấp đăng ký kinh doanh từ năm 2005 đối với các cửa hàng gas trên địa bàn đã phát sinh tình trạng mua bán, chuyển nhượng giấy phép khiến việc quản lý càng thêm lộn xộn. 

Cửa hàng kinh doanh gas phải "lên đời"

Đối tượng tác động nhiều nhất bởi Văn bản 290 là các hộ kinh doanh cá thể. Trước đây, do Nghị định 107 chưa điều chỉnh nên các cửa hàng này được ký hợp đồng với cả 3 nơi gồm: Thương nhân đầu mối, tổng đại lý và đại lý kinh doanh. Nay theo quy định của Văn bản 290, các hộ kinh doanh cá thể này chỉ được phép ký với một tổng đại lý.

Ông Trần Văn Nghị, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam cho biết hiện trên địa bàn thành phố mới chỉ có 16 tổng đại lý gas đủ điều kiện theo quy định và có khoảng 1.300 đại lý cửa hàng (trong đó có khoảng 1.000 hộ kinh doanh bán lẻ trực tiếp). "Nếu chỉ cho phép hộ kinh doanh cá thể ký với một tổng đại lý thì 16 tổng đại lý có đủ năng lực đáp ứng cho 1.000 hộ kinh doanh bán lẻ hay không?", ông Nghị băn khoăn. Còn ông Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam thì ngần ngại rằng, người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi bởi khi ký với 3 nơi thì một hộ kinh doanh có thể bán được nhiều thương hiệu gas, còn khi ký với một tổng đại lý thì người tiêu dùng ít có sự lựa chọn hơn. Ông Thân Văn Do, Giám đốc Công ty TNHH Gas Hồng Mộc (H-Gas), phân tích quy định này sẽ khiến người tiêu dùng bị thiệt về giá. Theo ông Do, trước đây các công ty gas bán thẳng đến các cửa hàng nên cắt giảm được chi phí trung gian, còn Văn bản 290 quy định phải qua trung gian tổng đại lý thì giá gas sẽ đội lên, người tiêu dùng bị thiệt. 

Tuy nhiên, ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí AnPha lại cho rằng việc sắp xếp lại kênh phân phối chỉ ảnh hưởng đến giá nội bộ trong hệ thống còn giá bán lẻ đến người tiêu dùng không đổi và được đăng ký với cơ quan chức năng. Theo ông Loan, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng do công ty gas niêm yết và được cơ quan chức năng giám sát nên các cửa hàng khó có thể tự ý tăng giá. 

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, các hộ kinh doanh cá thể không thể ký với đại lý hay thương nhân đầu mối như trước kia vì như vậy là đã thừa nhận hộ kinh doanh là đại lý. Theo ông Đông, nếu các cửa hàng gas muốn bảo đảm quyền lợi như đại lý bán lẻ thì có thể chuyển đổi giấy phép kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp và Sở Công thương cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các cửa hàng làm việc này. 

Ông Đông cho biết, cho đến ngày 31-3, tham gia kinh doanh gas dưới hình thức nào thì nộp hồ sơ chứng minh năng lực ở hình thức đó nên hoạt động kinh doanh gas vẫn diễn ra bình thường. Sau ngày 31-3, Sở sẽ bắt đầu kiểm tra, tạo điều kiện cho những thương nhân kinh doanh gas hoàn thiện điều kiện kinh doanh theo quy định và đến ngày 30-6 sẽ bắt đầu áp dụng chế tài. Ông Đông cũng thông tin thêm trong thời gian tới TP Hồ Chí Minh sẽ công bố quy hoạch ngành gas và sớm mở cửa cho việc cấp phép cửa hàng gas mới trở lại.

Theo Thuỳ Linh/HNM

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...