Thứ tư, 15/01/2025, 06:26 [GMT+7]

Thị trường Tết Giáp Ngọ 2014: Bảo đảm đủ hàng, đúng giá

Thứ sáu, 06/12/2013 - 09:06'
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014. Với lượng hàng dồi dào, nếu có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì theo Sở Công thương, tình trạng sốt giá sẽ không xảy ra.

Hàng bình ổn chi phối

Bà Lê Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Tết Giáp Ngọ 2014 tăng 20% so với Tết Quý Tỵ 2013. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cho hai tháng trước và sau Tết là gần 7.600 tỷ đồng, tăng gần 50% so với Tết Quý Tỵ. Nguồn hàng của các DN tham gia chương trình bình ổn chiếm 30%-40% thị phần. Hàng bình ổn dự trữ cho hai tháng trước và sau Tết là hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng (hơn 62%) so với Tết Quý Tỵ; riêng tháng cao điểm Tết Giáp Ngọ 2014 (từ ngày 1-1 đến 31-1-2014), tổng giá trị hàng hóa DN chuẩn bị là gần 3.800 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn là gần 2.500 tỷ đồng. 

Các siêu thị đã chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Các siêu thị đã chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Các DN sản xuất bánh, mứt, kẹo cũng cho biết đã dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20%-30%, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Các công ty bia, nước giải khát tăng 50% lượng cung ứng so với tháng thường, bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu thị trường. Theo Sở Công thương, đến thời điểm hiện tại các DN trong chương trình bình ổn đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết với khả năng tăng 114% so với kế hoạch thành phố giao và tăng gần 70% so với kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ. Nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng lớn chi phối 30%-60% nhu cầu thị trường như dầu ăn (61%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (48%), thịt gia súc (32%). Mặt hàng rau củ quả được DN chuẩn bị với số lượng gấp rưỡi năm ngoái do xu hướng tiêu dùng loại thực phẩm này của người dân thành phố tăng cao. Tuy nhiên, tại các chợ truyền thống, do từ đầu năm đến nay sức mua giảm, bán chậm nên các tiểu thương thận trọng hơn trong dự trữ hàng Tết. Sở Công thương phối hợp với Ngân hàng Sacombank triển khai gói vốn vay 1.500 tỷ đồng với lãi suất 9% đến các tiểu thương tại các chợ truyền thống và DN nhỏ và vừa để hỗ trợ dự trữ hàng hóa Tết. 

Bảo đảm không sốt giá

Theo bà Lê Thị Đào, thời điểm gần cuối năm giá cả một số nguyên liệu thường biến động tăng; thêm vào đó do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau chỉ một tháng nên dự báo sức mua sẽ tăng mạnh vào tháng giáp Tết, giá cả một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết. Tuy nhiên, với gần 7.600 điểm bán hàng bình ổn (trong đó có hơn 3.200 điểm bán hàng lương thực, thực phẩm) và 665 chuyến xe bán hàng lưu động khắp địa bàn, thành phố sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, thông tin và dự báo là cực kỳ quan trọng trong công tác dự trữ hàng hóa Tết, bởi nếu dự báo không đúng, thừa hàng thì sẽ ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của DN, thiếu hàng thì ảnh hưởng về giá. Sở Công thương và các DN thực hiện tốt công tác này nên thành phố rất chủ động trong việc bảo đảm đủ hàng hóa, không sốt giá. Phó Chủ tịch cũng cho biết đã chỉ đạo Sở Tài chính quản lý sát sao giá cả không chỉ về giá cả hàng hóa mà còn ở các điểm dịch vụ; chỉ đạo quản lý thị trường tăng cường kiểm tra kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng nhái, hàng giả - đặc biệt là ở chợ truyền thống. 

Làm việc với TP Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 vào ngày 4-12, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận xét, thành phố đã chuẩn bị chu đáo nguồn hàng hóa cho thị trường tết và cách phân phối hàng hóa đến tay người dân thuận lợi và giá phù hợp. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý là năm nào cũng vậy, dù chuẩn bị chu đáo nhưng thời điểm gần Tết vẫn có những cơn sốt giá khan hàng cục bộ, như bài học về sự tăng giá của nhóm mặt hàng trứng trong năm vừa qua. Trong năm nay, qua rà soát của Bộ Công thương thì nhóm mặt hàng trứng gia cầm vẫn có tốc độ tăng giá hơn các mặt hàng khác. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng sốt giá không phải do thiếu hàng hóa mà do những người đầu cơ gây ra, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lưu ý các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh cần tăng cường kiểm tra kiểm soát những DN chiếm thị phần lớn.

Theo Thùy Linh/hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...