Thứ năm, 16/01/2025, 12:19 [GMT+7]

Thịt gia cầm gặp “hạn”

Thứ sáu, 03/05/2013 - 08:12'
Thông thường vào dịp nghỉ lễ, gia cầm là một trong những loại thực phẩm được tiêu thụ với số lượng lớn nhưng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và Quốc tế lao động năm nay, gia cầm lại lâm vào cảnh ế ẩm.

Nhiều người tiêu dùng đã loại gia cầm ra khỏi thực đơn vì cúm A/H5N1 và chủng cúm mới A/H7N9.

Thịt gia cầm gặp “hạn” 1

Dịch cúm A/H7N9 khiến tiểu thương buồn vì thịt gia cầm ế ẩm.

Đại hạ giá vẫn ế

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội và một số chợ ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… chúng tôi nhận thấy tình hình mua bán thịt, trứng gia cầm đều rơi vào cảnh ế ẩm...

Tại chợ Mọc (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), những tiểu thương kinh doanh thịt gia cầm luôn trong cảnh vắng khách. Các tiểu thương túm năm tụm ba tám chuyện, nhổ tóc sâu.

Chị Hà Thị Yên, chủ cửa hàng bán thịt gia cầm chợ Mọc, huyện Tân Yên ca thán: “Từ ngày có thông tin chủng cúm mới H7N9 nguy hiểm mà chưa có thuốc điều trị, chúng tôi bán hàng ế lắm. Gà đại hạ giá, giảm còn có 60.000- 65.000 đồng/kg mà vẫn ế, chẳng có người mua. Ngay bà hàng xóm nhà tôi hay ăn gà như thế mà bây giờ cũng không mua. Thậm chí, tôi nói sẽ luộc và mang sang tận nhà, chỉ việc ăn thôi mà vẫn từ chối”.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn (xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: "Khi chưa có thông tin dịch cúm, mỗi ngày chúng tôi xuất 3 chuyến gà lông, bình quân 6-7 tạ/chuyến đi các tỉnh nhưng nay 2-3 ngày mới có một chuyến. Gà thịt giao cho siêu thị cũng giảm mạnh, thậm chí ngày 15/4, cả 12 siêu thị ở Hà Nội không đặt mua gà của Công ty do hoang mang trước thông tin dịch cúm gia cầm".

Dù theo thông tin từ ông Vũ Quốc Hùng, Trưởng phòng Kiểm dịch (Chi cục Thú y Bắc Giang), đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện vẫn được bảo vệ an toàn, nhưng giá gà cũng giảm mạnh. Gà trắng giảm 27.000 đồng/kg, gà mía lai Yên Thế chỉ còn 52.000 đồng/kg, gà ri lai giảm xuống 65.000 đồng/kg.

Tại chợ Thông (xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), gia cầm cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Chị Nguyễn Thị Bình, chủ quầy thịt gia cầm ở đây phàn nàn: “Không đi bán gà, vịt thì chưa biết bán gì, mà đi bán thì đúng là ế sưng, ế sỉa dù gà chỉ còn 60.000 đồng/kg trong khi trước đó là 85.000-. 90.000 đồng/kg. Rỗi việc, tôi còn để ý thấy nhiều người tránh đi qua dãy hàng gà, vịt vì sợ. Có khách thì họ cứ đến hỏi nọ, hỏi kia nhưng có mua đâu”.

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như Ngọc Hà, Thành Công, Hoàng Hoa Thám… các quầy bán thịt gia cầm cũng rơi vào cảnh vắng khách. Thậm chí, nhiều gia đình đã loại gia cầm ra khỏi thực đơn hằng ngày.

Hơn một tuần nay, gia đình chị Nguyễn Thu Trang (khu tập thể Văn Công, Cầu Giấy, Hà Nội) không sử dụng thịt gia cầm làm thức ăn. Chị Trang cho biết: “Tôi vẫn đang cho con bú lại nghe thông tin về dịch cúm gia cầm nên quyết định không ăn thịt gia cầm dù đây là món khoái khẩu của cả nhà. Chị bán gà quen vẫn mời nói gà đảm bảo, yên tâm ăn, thậm chị ấy còn nói sẽ luộc hộ và giá cũng thấp hơn trước 25.000 đồng/kg nhưng tôi vẫn kiên quyết từ chối. Bây giờ ăn vào, nhỡ làm sao thì khổ con”.

Bán hàng theo kiểu… thề thốt!

Một thực tế là hầu hết số tiểu thương bán gia cầm trả lời chúng tôi về thịt, trứng thường không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y, khi khách hàng hỏi họ đều mang “danh dự” ra… thề. Một số ít thì chỉ cho chúng tôi tờ giấy kiểm dịch dán trên chiếc lồng và khẳng định: “Đều đã qua kiểm dịch”.

Trong vai khách mua gà, chúng tôi có cuộc trò chuyện khá thú vị với một tiểu thương bán gà sống ở chợ Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Để giải tỏa băn khoăn, chị chỉ cho chúng tôi tờ giấy kiểm dịch của thú y Hưng Yên, chứng nhận gia cầm đã qua kiểm dịch nhưng ngày kiểm dịch đã cách đó một tuần. Tôi thắc mắc giấy này đã quá hạn, chị chủ hàng nhanh nhảu: “Tôi nhập gần trăm con gà đã được kiểm dịch nhưng chưa bán hết nên giấy thì là ngày cũ nhưng vẫn là số gà đấy”. Khi chúng tôi hỏi làm sao để biết những con gà này đã qua kiểm dịch hay chỉ là chiếc lồng được dán giấy kiểm dịch, thì được chị chủ hàng trấn an: "Cứ mua về ăn, nếu chị mua gà bệnh, thì chị là người chết trước. Chị bán hàng, ăn thì cả chồng, con ăn mà đâm đầu đi chết!".

Vẫn trong vai khách mua hàng, chúng tôi tiếp cận với chị Hà Thị Anh, bán thịt gia cầm ở chợ Thông. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về giấy kiểm dịch, chị Hà Anh cũng thề thốt: “Gà của chị chất lượng đảm bảo, bán gà là để mưu sinh, để sống chứ không bán gà bệnh để rước họa. Chị sống bằng nghề này thì phải giữ uy tín cho mình chứ. Ai dại gì mà bán gà, vịt bệnh, nếu vậy thì tự giết mình trước à?”.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ngay sau khi có thông tin về các điểm tập kết và buôn bán gia cầm giáp biên giới ở Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Cục đã có văn bản yêu cầu Chi cục quản lý thị trường các địa phương kiểm tra rà soát chấn chỉnh tình trạng này… 

Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi thì tình trạng gà không có dấu kiểm dịch vẫn bán tràn lan tại các chợ. Trong khi đó, chủng virus cúm gia cầm mới H7N9 hiện tại chưa có vaccine phòng chống, rất dễ lây sang người. Không thể vì lợi nhuận trước mắt của riêng mình mà các tiểu thương lại bàng quan với dịch bệnh đang trên đà bùng phát mạnh.

 

Theo Mai Hạnh (Giadinh.net)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...