Ngàn khơi vẳng tiếng chuông chùa
Du khách vãn cảnh chùa Vinh Phúc (đảo Phan Vinh).
Tuy các chùa có thời gian xây dựng, quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nhưng đều mang kiến trúc đặc trưng của những công trình tôn giáo Đạo phật được xây dựng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mái chùa cong, các gian chùa đều treo hoành phi, câu đối, điện thờ Đức Phật; chùa xây ở đảo, mùa nào cũng là mùa gió nổi, nhưng vãn cảnh chùa, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự thâm nghiêm, tĩnh mịch của những ngôi chùa ẩn mình dưới tán bồ đề lẫn với cây phong ba. Những ngôi chùa trầm mặc trước biển, được xây cất trên cát trắng hay đứng cạnh những ngọn hải đăng không bao giờ tắt tạo thành nét đặc trưng của chùa ở biển.
Đặc biệt chùa ở các đảo của quần đảo Trường Sa đều có ban thờ cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên của biển. Chùa Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) còn có bia đá ghi danh 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong hải chiến Gạc Ma 1988. Trên bia đá khắc ghi rõ ràng, chính xác họ và tên, ngày tháng năm sinh và những thông tin cơ bản về những liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ đảo. Chị Lê Thị Phương Trinh (đảo Sinh Tồn) chia sẻ: Vào dịp lễ tết, cư dân trên đảo cũng như dân đi biển thường đến chùa dâng hương, cúng phật, nguyện cầu mọi việc bình an, trời yên, biển lặng và thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc thân mình, hiến trọn tuổi thanh xuân cho biển nơi đây thêm hiền hòa.
Những mái chùa cong vút, tiếng chuông chùa giữa ngàn khơi và mùi trầm hương pha quện với sự mặn mòi vị biển đã tạo động lực giúp cán bộ, chiến sỹ và bà con sinh sống trên các đảo thêm vững tâm bảo vệ biển, trời quê hương. Trong những câu chuyện được trao đổi, hay phỏng vấn cán bộ, chiến sỹ hải quân và ngư dân, cư dân sinh sống ở đảo, chúng tôi thường được nghe những lời bộc bạch, chia sẻ. Tiếng chuông chùa trên đảo, giúp những người xa quê lâu ngày vơi đi nỗi nhớ nhà, tạo động lực thêm gắng sức, vượt qua mọi gian khó, quyết tâm xây dựng, bảo vệ đảo.
Đại đức Thích Minh Huy trụ trì chùa Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) chia sẻ, từ những am do ngư dân đi biển dựng lên để cầu mong trời yên biển lặng, hải trình bình an… được xây dựng, tôn tạo thành chùa. Vì thế, từ bao đời nay, nơi đây đã trở thành điểm tựa tâm linh vững vàng, cũng là nơi che chở cho người đi biển. Nhà chùa cùng với bà con ngư dân không chỉ cầu cho quốc thái dân, người đi biển luôn thuận buồm xuôi gió, chùa còn là nơi trú ngụ của ngư dân đánh cá trong những ngày biển động.
Hơn thế, những ngôi chùa nơi đầu sóng ngọn gió này còn được ví như những cột mốc tâm linh, khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam trên biển Đông. Điều này từng thể hiện rất rõ trong kiến trúc truyền thống chùa cổ Việt Nam, những ai từng tới chùa Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) hẳn không quên câu đối đã được dịch ra chữ quốc ngữ: “Mây lành che đông hải, một trời cam lộ lưới Trường Sa/Thắng tích ảnh đảo xa, vạn cổ lam danh truyền Song Tử”. Cùng đồ thờ cúng, di chỉ khảo cổ có trầm tích nhiều niên đại là những cột mốc tâm linh, khẳng định rõ nét về chủ quyền bất biến của dân tộc ta trên biển Đông.
Vượt qua bão táp phong ba, Trường Sa luôn vững vàng trước mọi sóng gió, những ngôi chùa trước biển đã hội tụ nét đẹp truyền thống của dân tộc, là điểm tựa tâm linh cho ngư dân và cư dân trên đảo. Từ bao đời nay, những ngôi chùa thâm nghiêm trước biển, không chỉ là chứng nhân chứng kiến sự chuyển mình với nhiều đổi mới khởi sắc của Trường Sa và những ngôi chùa nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc còn là cột mốc linh thiêng, minh chứng rõ nét về chủ quyền trên biển Đông của nước ta.
Bùi Chiến
Bình luận