Tìm thấy một Việt Nam rất khác...
Mỗi ngày có hàng trăm bức ảnh mới được đăng tải trên các trang mạng xã hội có tiêu đề “Humans of…” (Những con người ở…).
Ý tưởng về một dự án nhiếp ảnh mang tầm vóc quốc tế được khởi nguồn từ một nhiếp ảnh gia người Mỹ có tên Brandon Stanton. Anh đã lập ra một tài khoản trên mạng xã hội Facebook có tên “Humans of New York” (Những con người ở New York).
Trong các trang ảnh “Humans of…”, người xem sẽ được thấy những bức ảnh chụp lại những người dân sinh sống ở các thành phố khác nhau. Họ là những con người bình dị, có những câu chuyện riêng. Qua ống kính nhiếp ảnh, họ hiện lên vừa gần gũi vừa ấn tượng, là biểu trưng sinh động cho những nẻo đời riêng cư ngụ trong cùng một thành phố.
Dự án nhiếp ảnh của Brandon Stanton đã khơi nguồn cho ý tưởng của các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới. Lần lượt những trang như “Humans of Paris/ Melbourne/ London…” ra đời. Hòa chung vào làn sóng “Humans of…” đó, có “Humans of Hà Nội” và “Humans of Sài Gòn”. Hiện trào lưu ảnh “Humans of…” đang rất rầm rộ trên khắp thế giới.
Và cùng với thế giới, đi tìm trong “Humans of Hà Nội”, “Humans of Sài Gòn”, mỗi chúng ta sẽ bắt gặp một góc phố, một con người, một thành phố, một đất nước... rất riêng, trong tình yêu, trong cảm nhận của mình.
“Chúng mình vừa mới chính thức tốt nghiệp và cũng bắt đầu... thất nghiệp!”. (Ảnh thuộc bộ ảnh “Humans of Sài Gòn”)
Lâu lâu đi bộ dạo chơi trên đường phố Sài Gòn, tôi luôn mỉm cười khi thấy những bình nước để trên vỉa hè, viết trên đó là hàng chữ “Trà đá miễn phí, kính mời!”. Đâu phải nơi nào cũng có thứ “miễn phí” dễ thương và bình dị như vậy? (Ảnh thuộc bộ ảnh “Humans of Sài Gòn”)
- Con đi đâu để chú chở cho, trời nắng đi bộ mệt lắm đó.
- Dạ, đi bộ mới chụp được nhiều ảnh thú vị đó chú.
- Vậy thì chụp cho chú một tấm thiệt đẹp nghen.
(Ảnh thuộc bộ ảnh “Humans of Sài Gòn”)
Tôi chưa trò chuyện với bác ấy một lời nào cả. Tấm ảnh đó tôi chụp vào khoảng 2h sáng, một bác chạy xe ôm đã già lắm rồi. Bác ngồi đó, nhìn mãi dòng người qua lại. Bác hỏi người này, người kia, nhưng chẳng ai đi cả... Khi tôi chụp xong, bác ấy nhìn, hai chúng tôi cười và rồi mặt bác ấy lại trĩu xuống… (Ảnh thuộc bộ ảnh “Humans of Sài Gòn”)
“Hôm qua, mẹ em đi mua ve chai về, cho em một thanh kiếm siêu nhân. Em sẽ sử dụng nó để tiêu diệt hết mọi kẻ xấu”. (Ảnh thuộc bộ ảnh “Humans of Sài Gòn”)
“Trời nắng nóng kéo dài thế này thì bán ế là cái chắc. Kiểu này chắc anh phải ăn chuối nếp nướng trừ cơm dài dài rồi em...”. (Ảnh thuộc bộ ảnh “Humans of Sài Gòn”)
- Chị đi bán hàng như thế này lâu chưa ạ?
- Lâu lắm rồi. Chị không nhớ nữa…
(Ảnh thuộc bộ ảnh “Humans of Sài Gòn”)
- Bà năm nay bao nhiêu tuổi rồi bà ơi?
- Tầm 80 rồi con.
- Thường ngày ở nhà bà làm gì ạ?
- Ở nhà thì ngồi chơi rồi chăm cho con chó cho vui chứ có làm gì đâu con, nhìn con chó vậy chứ không có nó thì buồn lắm…
(Ảnh thuộc bộ ảnh “Humans of Sài Gòn”)
- Hai bạn hóa trang thành nhân vật nào vậy?
- Bọn mình không hóa trang, chỉ là thích mặc đồ lính thôi. Chúng mình yêu nước và có mong muốn được bảo vệ Tổ quốc.
(Ảnh trong Humans of Hà Nội)
“Chú chó này đã ở với ông được 3 tháng, nó đi lạc, ông đem về nhà nuôi”.
- Cháu học lớp mấy rồi?
- Cháu học mẫu giáo bé, nhưng cháu được 11 cân rồi. (Ảnh trong Humans of Hà Nội)
Người phụ nữ bán thịt xiên nướng
“Bác làm công nhân từ thời bao cấp. Khác hẳn với bây giờ, thời đấy mọi người vô tư lắm. Được làm công nhân là nhất rồi”.
“Chú chụp ảnh đấy à? Cứ chụp đi, anh không ngại đâu. Công việc của anh chỉ thế này thôi. Mỗi cục than này chỉ lãi được 500 đồng, công việc vất vả nhưng cũng đủ sống chú ạ”.
“Anh muốn mọi người sống thật là mình, đồng tính sẽ trở thành một chuyện bình thường. Sẽ đến lúc, đồng tính không còn là vấn đề gây chú ý nữa. Anh mất 5 năm để chấp nhận sự khác biệt này, anh từng có cảm giác bị cô lập… Anh bối rối nhiều hơn trong thế giới mà mình sống, hơn là bối rối về bản thân mình…”.
“Điều cô tự hào nhất chính là các con của cô. Hồi nhỏ, ở lớp con trai cô tổ chức học thêm, có mỗi con cô không đăng ký. Khi cô giáo hỏi, nó mới tâm sự: Con thưa cô, nhà con nghèo, bố mẹ con làm công nhân, em gái lại hay ốm nên con không muốn bố mẹ con phải vất vả trả thêm tiền học cho con ạ. Từ bé đến lớn, hai đứa chăm chỉ và chịu khó học. Con trai cô mới ra trường và đang ở bên Malaysia làm kiến trúc sư. Dù cuộc sống còn vất vả nhưng nó vẫn gửi tiền về cho mẹ và luôn dặn: Mẹ dùng tiền đấy mà tiêu, không phải tăng ca để kiếm tiền nuôi em nữa”.
- Theo anh hạnh phúc là gì?
- Khái niệm hạnh phúc của mỗi người khác nhau và thay đổi theo thời gian. Đối với anh bây giờ hạnh phúc là được làm điều mình yêu thích, kiếm được tiền và tiêu tiền do mình kiếm ra. Còn sau này, hạnh phúc có lẽ là có một gia đình nhỏ hạnh phúc.
“Hồi xưa anh làm cửu vạn, nhưng giờ ít việc quá nên mới chuyển sang nghề này. Lúc đầu cũng ngại lắm chứ, vì thường mọi người nghĩ đây là việc của đàn bà nên khi vào trong chợ thì toàn bị trêu. Anh nghĩ, bây giờ nam nữ bình đẳng, mình làm việc gì lương thiện mà kiếm đủ tiền để nuôi gia đình, nuôi con cái thì vất vả hay ngại ngùng cũng chẳng hề gì”.
“Làm công việc này nguy hiểm chứ! Cái nghề là cái nghiệp, sinh nghề tử nghiệp, nguy hiểm cũng phải chấp nhận thôi em ạ, mình không dấn thân thì sao có thể đảm bảo lưới điện thông suốt được”.
“Công việc của cô là đập bê tông và nhặt những đoạn thép vụn để bán lấy tiền. Làm ở đây xong rồi, tối cô lại đạp xe về Hà Tây, chứ ở lại trên này suốt thì ai mà chăm con cái, rồi lo đồng ruộng…”.
- Nửa đêm rồi, lại mưa thế này, sao chị không đi trú mưa ạ?
- Đã sẵn ướt rồi thì ướt một thể luôn em ạ. Một giờ sáng là xe rác đến, mình phải làm cho xong.
- Làm nghề vất vả thế này, chị có bao giờ muốn từ bỏ nó không?
- Chị không có bằng cấp; kiếm được công việc tử tế, thu nhập ổn định là tốt lắm rồi. Đã là công việc thì phải có trách nhiệm. Mưa càng to mình càng phải làm, vì nếu không rác sẽ trôi đi, tắc hết cống em à.
“Chú ơi, chú đứng gọn vào cho bà còn đưa em về nào. Trời nắng quá!”.
“Bà làm chủ hiệu may cũng mấy chục năm rồi. Cái nghề của bà sướng lắm, làm may là làm đẹp cho đời, lại không sát sinh gì cả”.
“Ở đây ông chỉ chuyên sửa quạt thôi. Mỗi cái công chỉ được bốn năm chục ngàn, nếu lấy đắt quá họ chả thèm sửa nữa. Với lại bây giờ nhiều nhà giàu, họ dùng toàn điều hoà, quạt hỏng thì bỏ đi, mua cái mới nên cũng ít khách lắm”.
Theo Bích Ngọc/dantri
Bình luận