10 tên tuổi lớn thích 'náu mình' với các CLB nhỏ
Samuel Eto'o, CLB Anzhi Makhachkala, Nga. Vài tháng trước hầu hết giới hâm mộ còn mơ hồ về khu vực Bắc Caucasus thuộc Nga thì nay, sau vụ Anzhi Makhachkala mua “sát thủ” Samuel Eto’o, dường như tất cả đều biết khu vực này nằm ở đâu trên bản đồ. Ông chủ Anzhim tỷ phú Suleiman Kerimov đã chấp nhận chi 22 triệu bảng cho Inter và trả Eto’o 18 triệu sau thuế mỗi năm. Mức lương khổng lồ của Eto’o thừa sức cho Lionel Messi và Cristiano Ronaldo “ngửi khói” trên bảng tổng sắp những cầu thủ giàu nhất thế giới. Xa rời bóng đá đỉnh cao, Eto’o đang cùng cựu tiền vệ Chelsea Yuri Zhirkov và cựu hậu vệ Real Madrid Roberto Carlos chinh phục xứ sở bạch dương. Hiện Anzhi xếp thứ tư tại giải vô địch Nga nên chắc vài năm nữa giới hâm mộ mới có thể thấy Eto’o tái xuất tại Champions League. |
Ronaldinho, Flamengo, Brazil. Trong khi nhiều cầu thủ Brazil chớm 30 tuổi hoặc hơn vẫn tung hoành tại châu Âu như Lucio, Cesar, Luisao, cựu cầu thủ hay nhất thế giới phải về nước sớm do thiếu hưng phấn tại Milan và không kiểm soát được phong độ. Ronaldinho và Eto’o vốn là một cặp ăn ý tại Barca, cùng nhau đoạt hai chức vô địch La Liga và danh hiệu Champions League 2006. Chấp nhận làm lại từ đầu với Flamengo, Ronaldinho đang dần lấy lại phong độ. Theo giới chuyên môn, khả năng “chàng vẩu” tái trình diễn phong độ đỉnh cao như thời đá cho Barca không cao nhưng chí ít đã khẳng định được bản thân. Mới đây Ronaldinho đã được HLV Mano Menezes gọi trở lại đội tuyển Brazil sau một thời gian dài vắng mặt. |
David Trezeguet (bên phải), Bani Yas, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Nổi tiếng từ pha ghi bàn quyết định giúp Pháp giành chiến thắng 2-1 trong trận chung kết Euro 2000, Trezeguet đã đi vào lịch sử bóng đá châu Âu với tư cách một trong những tiền đạo hiệu quả nhất. Anh đã thi đấu suốt một thập kỷ cho CLB Juventus, đoạt hai chức vô địch Serie A. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất về Trezeguet là quyết định ở lại sau khi Juventus bị đánh xuống Serie B do scandal dàn xếp tỷ số. Trong ba năm cuối chơi tại Serie A, Trezeguet ghi được 28 bàn trong 63 lần ra sân – tỷ lệ không tồi đối với một tiền đạo đã ở bên kia đỉnh cao. Chuyển sang La Liga chơi cho Hercules năm ngoái, tiền đạo người Pháp ghi được 12 bàn. Sau khi Hercules xuống hạng, Trezeguet nhận đươc sự quan tâm từ Celtic, New York Red Bulls và Aston Villa, nhưng cuối cùng anh chọn Bani Yas. Ở tuổi 33, có thể sang châu Á là quyết định phù hợp cả về chuyên môn lẫn tài chính. |
Guti (áo đen ở giữa), Besiktas, Thổ Nhĩ Kỳ. Guti vốn là một trong những cầu thủ đáng nhớ nhất trong lịch sử Real Madrid. Đi lên từ lò đào tạo trẻ, Guti đã chơi cho đội một hơn 500 trận, đoạt 5 chức vô địch La Liga và 3 Champions League. Năm 2010, sau 15 năm cống hiến liên tục cho đội chủ sân Bernabeu, tiền vệ người Tây Ban Nha phải ra đi do chính sách “Galactico 2” của chủ tịch Florentino Perez. Guti đã tới Besiktas, trong khi Raul, một cầu thủ nổi tiếng khác, gia nhập Schalke. Mùa bóng 2010-2011, hai danh thủ người Tây Ban Nha đều đoạt danh hiệu chưa từng có trong sự nghiệp: Cup quốc gia. Trong khi đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ đã gây tiếng vang lớn trên đấu trường quốc tế, giải vô địch nước này không được chú ý nhiều và hầu như chỉ nổi bật với các scandal, điển hình là nghi án dàn xếp tỷ số vừa qua. Sự có mặt của Guti, Simao Sabrosa, Ricardo Quaresma hay Hugo Almeida tại Besiktas thực sự là một bước tiến lớn để cải thiện hình ảnh. |
Felipe Melo (trái), Galatasaray, Thổ Nhĩ Kỳ. Chơi sang không kém Besiktas tại giải vô địch Thổ Nhĩ Kỳ là Galatasaray, CLB mới chiêu mộ một loạt cầu thủ chất lượng. Galatasaray đã thành công trong việc thuyết phục Juventus cho mượn Melo kèm điều khoản mua đứt. Cùng Melo gia nhập sân Turk Arena trong kỳ chuyển nhượng mùa hè còn có cầu thủ chạy cánh Johan Elmander, hậu vệ Tomas Ujfalusi và thủ môn số một của đội tuyển Uruguay, Fernando Muslera. Từng được đánh giá là một trong những tiền vệ hàng đầu thế giới, Melo đã chơi nhiều trận tại La Liga, Serie A và đội tuyển Brazil. Kể từ khi phạm sai lầm trong trận tứ kết World Cup 2010 (Brazil thua Hà Lan 2-1), Melo đã không còn là chính mình. Anh để mất vị trí chính thức tại Juventus và không giành được sự tin tưởng của tân HLV đội tuyển Brazil. Theo giới chuyên môn, gia nhập Galatasaray là bước chuyển mình quan trọng để ngôi sao 28 tuổi lấy lại những gì đã mất và chuẩn bị cho World Cup 2014. |
Fredrik Ljungberg, Shimizu S-Pulse, Nhật Bản. Ljungberg đã gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ nhờ gần một thập kỷ chơi cho Arsenal. Đây là nơi anh đoạt 2 chức vô địch Anh và 3 FA Cup trong 9 năm. Chính sách không mặn mà với cầu thủ trên 30 của HLV Arsene Wenger đã đẩy tiền vệ người Thụy Điển sang West Ham, trước khi tới Seattle Sounders và Chicago Fire (Mỹ). Sau khi đá một thời gian ngắn chơi cho Celtic đầu năm 2011, tiền vệ 34 tuổi bất ngờ gia nhập giải vô địch Nhật Bản. |
Asamoah Gyan (giữa), Al-Ain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Với 3 bàn thắng ghi cho đội tuyển Ghana, Gyan là cầu thủ châu Phi gây ấn tượng mạnh nhất tại World Cup năm ngoái. Màn trình diễn thuyết phục tại đấu trường lớn đã đưa anh tới Sunderland với giá 12 triệu bảng, mức kỷ lục của CLB. Thi đấu khá tốt trong một năm đầu và giúp Sunderland giành vị trí thứ 10 tại Premier League, tiền đạo 25 tuổi đã có sự chuẩn bị tốt để chinh phục giới hâm mộ. Tuy nhiên, ngay khi thị trường chuyển nhượng mùa hè chuẩn bị đóng cửa, bị hấp dẫn bởi lời mời từ Al-Ain, Gyan quyết định ra đi theo hợp đồng cho mượn 1 năm. Anh sẽ được hưởng lương gấp 4 lần tại CLB mới. Sunderland cũng được hưởng lợi lớn, theo báo chí Anh là 6 triệu bảng chỉ trong một năm cho mượn. |
Keisuke Honda (phải), CSKA Moscow, Nga. Theo giới chuyên môn, ngôi sao tiền vệ người Nhật Bản hoàn toàn có thể tới thi đấu cho một trong những CLB lớn nhất châu Âu thay vì CSKA Moscow tại nước Nga xa xôi. Ưu điểm lớn nhất của CSKA là có thể giúp Honda được thi đấu thường xuyên. Không giống Anzhi của Eto’o, đội bóng thủ đô Nga có nhiều cơ hội tham dự Champions League và vừa lọt vào vòng bảng năm nay. Thi đấu trong màu áo đội tuyển Nhật Bản từ lâu, Honda thường gây ấn tượng với tài sút phạt trực tiếp. Tại World Cup 2010, chính tiền vệ 25 tuổi là tác giả pha sút phạt thành công vào lưới Đan Mạch. |
Mohamed Aboutrika, Al-Ahly, Ai Cập. Tiền đạo người Ai Cập thường được xem là một trong những bí ẩn lớn nhất của bóng đá châu Phi. Aboutrika đã ghi được gần 300 bàn thắng ở cấp CLB và đội tuyển quốc gia nhưng chưa bao giờ ra nước ngoài thi đấu. Tiền đạo 32 tuổi đã có 2 lần vô địch châu Phi với đội tuyển, ba lần vô địch Cup C1 châu Phi và đoạt một loạt danh hiệu khác. Danh hiệu cá nhân lớn nhất của Aboutrika là vị trí thứ hai trong cuộc đua Cầu thủ hay nhất châu Phi 2008. Việc các CLB châu Âu không chịu mua Aboutrika có thể do ảnh hưởng từ nhiều tấm gương thất bại của các cầu thủ Ai Cập như Hossam Ghaly, Amr Zaki, Mohamed Zidan. |
Younis Mahmoud, Al-Wakrah, Qatar. Trở nên nổi tiếng từ vòng chung kết giải vô địch châu Á 2007, Mahmoud gây ấn tượng với khả năng ghi bàn quyết định và danh hiệu vua phá lưới. Ngay sau giải, tiền đạo sinh năm 1983 được liên hệ với Man City. Tuy nhiên có vẻ anh không thích tới châu Âu và chấp nhận ở lại Trung Đông. Mahmoud đạt tỷ lệ ghi bàn rất cao tại Al-Gharafa, 71 bàn trong 88 trận tại giải vô địch Qatar. Năm 2011, anh quyết định chuyển tới đội bóng kình địch Al-Wakra. |
Theo vnExpress
Bình luận