Chủ nhật, 12/01/2025, 10:49 [GMT+7]

5 ứng viên HLV trưởng tuyển Việt Nam

Thứ năm, 17/03/2011 - 15:03'
Có nhiều ứng viên quen mặt, trong đó nổi bật là cựu ngôi sao Stoichkov, cho vị trí HLV trưởng tuyển Việt Nam nhưng 5 bộ hồ sơ được Liên đoàn chọn vào vòng chung kết lại là những người hoàn toàn mới. 

Cựu danh thủ Hristo Stoichkov chưa có thành tích nổi bật trong sự nghiệp cầm quân và mức lương mà ông đề nghị (gần một triệu USD mỗi năm) quá khả năng của VFF nên đã bị loại. Các ông Alfred Riedl, David Booth, Peter Ried, những ứng viên có ưu thế hiểu rõ bóng đá Đông Nam Á cũng không nhận được sự ủng hộ của Hội đồng HLV Quốc gia. Sau buổi làm việc với Hội đồng vào sáng 16/3, Liên đoàn bóng đá đã xác định 5 ứng viên cuối cùng cho cuộc tuyển chọn HLV đội tuyển bóng đá nam quốc gia thay thế ông Calisto.

Tất cả đều là những người chưa từng làm việc ở khu vực Đông Nam Á. Trong số này có hai HLV người Đức là Hans Juergen Gede, Franz Goetz , một người Pháp (Pierre Lechantre), một người Mỹ (Steve Sampson) và một người Bồ Đào Nha (Eduardo Martinho Viganda).

Pierre Lechantre được VFF xếp số một trong danh sách 5 ứng viên nhờ bản lý lịch hoành tráng. Ông từng rất thành công khi dẫn dắt đội tuyển Cameroon. Olympic Sydney 2000, Lechantre đưa Olympic Cameroon của thế hệ Samuel Eto’o giành chức vô địch. Cũng năm này, đội tuyển Cameroon dưới tay Lechantre đã giành chức vô địch châu Phi sau khi đánh bại Nigieria ở loạt sút 11m. Ông cũng từng dẫn dắt các đội tuyển Mali, Qatar. Ở cấp CLB, vị HLV người Pháp đã làm việc ở Al Ahli, Al Siliya, Al Rayyan, MAS Fes, Africa, Sfaxien - những đội bóng mạnh ở châu Phi và Tây Á.

HLV Pierre Lechantre.
HLV Pierre Lechantre.

Xếp ngay sau Lechantre trong thứ tự ưu tiên là Steve Sampson. Ông là người duy nhất trong số 5 ứng viên từng dự các giải đấu lớn là World Cup và Copa America. Sampson từng là trợ lý số một của “phù thủy” Bora Milutinovic cùng đội tuyển Mỹ ở World Cup 1994. Khi Milu từ chức, Sampson trở thành HLV trưởng tuyển Mỹ dự Copa America 1995 và World Cup 1998. Sampson cũng từng dẫn dắt Costa Rica trong hai năm (từ 2002 đến 2004). Rời Costa Rica, Sampson về Mỹ làm việc tại CLB Los Angeles Galaxy – đội bóng hiện tại của David Beckham. Tuy nhiên đến năm 2006, ông bị đội này sa thải.

Ứng viên thứ ba là Eduardo Martinho Viganda, người từng làm việc ở rất nhiều đội bóng châu Âu và châu Á. Ông từng là HLV đội trẻ và cả đội tuyển quốc gia Bồ Đào Nha. Thành tích lớn nhất của ông với đội tuyển quê nhà là giành vị trí thứ tư tại Olympic Atlanta năm 1996. Viganda từng làm việc ở UAE, Hàn Quốc và Iran, Saudi Arabia. Năm 1996 ông vô địch châu Á với Saudi Arabia.

Hai ứng viên còn lại mang quốc tịch Đức, Hans Juergen Gede và Goetz. Năm 2008, ông Hans Juergen Gede từng có tên trong danh sách 5 người cuối cùng trong cuộc tuyển chọn HLV của Liên đoàn. Khi đó ông là ứng viên sáng giá nhưng cuối cùng Liên đoàn đã chọn ông Calisto. Ông Goetz xuất thân từ bóng đá CHDC Đức (cũ), cũng được Liên đoàn đánh giá cao.

Sớm nhất là cuối tuần này Liên đoàn sẽ liên hệ với từng ứng viên, qua các nguồn để xác thực thông tin có ghi trong hồ sơ. Nếu ứng viên nào sẵn sàng, VFF sẽ tiến hành thương thảo hợp đồng. “Chọn ra 5 ứng viên cuối cùng từ 25 bộ hồ sơ rút gọn đã khó nhưng chưa phải khó nhất. Công việc xác minh thông tin và đặc biệt là thương lượng hợp đồng mới là giai đoạn quan trọng nhất, khó khăn nhất”, đại diện của Liên đoàn đánh giá. Theo vị này, Liên đoàn cố gắng tìm HLV trưởng cho tuyển Việt Nam vào cuối tháng ba. Chỉ khi không thương thảo thành công với 5 HLV này, Liên đoàn mới tính đến phương án chọn người khác.

5 ứng viên được Liên đoàn chọn:

Hans Juergen Gede, Franz Goetz (quốc tịch Đức)

Pierre Lechantre (quốc tịch Pháp)

Eduardo Martinho Viganda (quốc tịch Bồ Đào Nha)

Steve Sampson (quốc tịch Mỹ).

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...