Thứ năm, 16/01/2025, 22:52 [GMT+7]

Bầu Hiển không trách Công Vinh

Thứ hai, 26/09/2011 - 16:36'
Sáng nay, trong buổi giao lưu trực tuyến với người hâm mộ, ông Đỗ Quang Hiển của Hà Nội T&T đã gửi lời chúc thành công tới tiền đạo gốc Nghệ An. 

Sự xuất hiện của "bầu" Hiển trong bối cảnh những diễn biến ngày một nóng từ việc tố cáo vấn đề "một ông bầu hai đội bóng ở V-League", sang chuyện chuyển nhượng cầu thủ và đến cuộc đua tranh thương hiệu "bóng đá Hà Nội" giữa một bên là bầu Kiên với một bên là bầu Hiển, khiến sự xuất hiện của ông trong một buổi giao lưu trực tuyến với người hâm mộ ở thời điểm này thu hút sự chú ý. Văn hóa yên ấm, hòa bình giữa các đội bóng thủ đô dường như bị tổn thương sau những nỗ lực cạnh tranh và giành giật không đẹp mắt cho lắm giữa các đội bóng.

Cuộc giao lưu của ông Đỗ Quang Hiển với bạn đọc trên báo Bóng đá dù liên quan đến nhiều thông tin khác nhau, nhưng đã chạm đến những điểm nóng nhất của làng bóng đá thủ đô cũng như Việt Nam hiện nay.

Ông Hiển (trái) và Công Vinh thuở còn cộng tác.
Ông Hiển (trái) và Công Vinh thuở còn cộng tác.

Được hỏi về vụ bầu Kiên bảo không mua cầu thủ với giá cao rồi lại gây sốc với vụ chuyển nhượng kỷ lục với Công Vinh, ông Đỗ Quang Hiển trả lời:Tôi vẫn nói vui với mọi người rằng ta yêu nhau chẳng cần ai làm chứng. Từ suy nghĩ ấy, bầu Kiên yêu Công Vinh và Công Vinh yêu bầu Kiên thì họ tự nguyện đến với nhau. Tôi ủng hộ tình yêu ấy. Tôi cho rằng, trong cuộc sống cũng như bóng đá, nói thì dễ, làm mới khó nên cá nhân tôi cứ làm việc, cứ cống hiến và phần đánh giá thuộc về người xung quanh. Tôi là người của hành động và tôi vẫn đang hành động. Điều quan trọng nhất là mình làm được gì, cống hiến ra sao cho người hâm mộ, cho CLB và cho bóng đá Việt Nam”.

Những sự kiện trong quá khứ gần vẫn còn như đâu đây. Sau AFF Cup 2008, “bầu” Hiển trải thảm đón Công Vinh từ Sông Lam Nghệ An. Được xem là cầu thủ số một Việt Nam thời điểm đó, Công Vinh cũng nhận mức đãi ngộ kỷ lục, với giá “lót tay” gần 8 tỷ đồng cho hợp đồng ba năm. Tới Hà Nội T&T, Công Vinh không đóng góp được nhiều. Ở hai thời điểm Hà Nội T&T cần, Công Vinh lại không đáp ứng được sự kỳ vọng. V-League 2010 giải mà Hà Nội T&T vô địch, Công Vinh chỉ thi đấu có sáu trận và bị treo giò dài hạn sau sự kiện vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trên sân Cao Lãnh. Chưa kịp trở lại sau án treo giò, Công Vinh dính chấn thương nặng. Tiền đạo gốc Nghệ An sau đó được đưa sang Bồ Đào Nha chữa trị. Khoản phí cho chuyến đi đó (chừng 35.000 EURO), theo tiết lộ của “bầu” Hiển là do ông chi trả. V-League 2011, ở trận “chung kết” với Sông Lam Nghệ An trên sân Vinh, Công Vinh hoàn toàn mờ nhạt dù được HLV Phan Thanh Hùng tin tưởng cho ra sân ngay từ đầu trong đội hình của Hà Nội T&T.

Nhưng việc ra đi bất ngờ của Công Vinh chỉ một ngày trước lễ ký hợp đồng với sự chuẩn bị rình rang cùng những tấm giấy mời được Hà Nội T&T gửi đi khắp nơi là một quyết định gây sốc.

Một bạn đọc hỏi thẳng liệu đây có phải là một vụ "chơi xỏ" của bầu Kiênhay không và chuyện xuất hiện thêm một CLB Hà Nội trùng tên với một đội bóng của ông, bầu Hiển nhận xét: "Câu hỏi của bạn rất thú vị. Tôi chia sẻ với bầu Kiên bởi bầu Kiên cũng làm cho bóng đá Hà Nội, nhưng đang cần phải bổ sung lực lượng. Tôi ủng hộ mục đích của bầu Kiên, vì đó cũng là bóng đá Hà Nội, là BĐVN. Công Vinh không ở Hà Nội T&T mà ở đội bóng của bầu Kiên thì cũng là bóng đá Hà Nội, của bóng đá Việt Nam. Có Công Vinh rồi, bầu Kiên có trách nhiệm phải tạo điều kiện cho Công Vinh phát triển vì bóng đá Hà Nội, BĐVN. Về cái tên CLB bóng đá Hà Nội, Hà Nội T&T đã đăng ký mùa giải vừa qua cho đội bóng hạng Nhất rồi. Điều này, bầu Kiên không biết và tôi nghĩ bầu Kiên nên xem lại".

Với riêng Công Vinh, dù từng chua chát nhật xét, cuộc chia tay của cầu thủ này là vì tiền nhưng “bầu” Hiển vẫn dành cho cầu thủ này những lời tốt đẹp. “Tôi không trách Công Vinh vì tôi coi Công Vinh như con, như cháu. Nếu trách Công Vinh thì tôi phải trách mình trước, bởi vụ việc này đã làm méo mó hình ảnh của cầu thủ số một Việt Nam. Chúc Công Vinh vượt qua để phát huy bản lĩnh, tài năng cho màu áo mới. Tôi thực lòng chúc Công Vinh thành công”.

Một trong những câu hỏi mà ông Hiển thừa nhận đã đề cập đến vấn đề khiến ông trăn trở trong nhiều năm qua là: Tại sao khi ký hợp đồng với cầu thủ lại phải có tiền lót tay? Khoản lót tay này ai quy định hay theo ý ông bầu? Ông chia sẻ: "Tôi vào bóng đá sau nhiều doanh nhân khác và chuyện lót tay cho cầu thủ hình thành từ rất nhiều năm nay, được xác lập từ trước tôi vào bóng đá. Khi tôi vào bóng đá, tôi là người mới nên phải đi theo vì đó là tiền lệ bởi vậy, hiện nay vẫn đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng, cầu thủ không có lỗi mà lỗi thuộc về những người làm quản lý bóng đá. Để giải quyết vấn đề này, các nhà quản lý phải ngồi lại để tìm giải pháp để cân bằng quyền lợi của cầu thủ và CLB". 

Một trong những vấn đề mà ông Kiên đề cập ở Lễ tổng kết mùa giải 2011, được hiểu là hướng về “bầu” Hiển. Cụ thể, ông Kiên đề nghị VFF cần mạnh tay chấm dứt tình trạng một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng. Không đứng tên làm chủ tịch nhưng ông Đỗ Quang Hiển vẫn được mặc định xem là “bầu” của hai đội bóng Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Trong khi đó, theo tổng kết của một bạn đọc thì ông Kiên hiện có trong tay những ba đội khác nhau là đội HP.HN, HN.ACB và cả Kienlongbank Kiên Giang.

Về điều này, ông Hiển chia sẻ quan điểm mà ông cho là "chính thống" của mình: “Đầu tư cho bóng đá tốn rất nhiều tiền mà tình yêu là chưa đủ. Nhiều người yêu bóng đá, nhiều người có tiền nhưng đầu tư vào bóng đá cần có máu bóng đá, muốn phát triển bóng đá chuyên nghiệp". 

"Điểm khác nhau là ở khả năng đầu tư bởi đầu tư cho một CLB tốn rất nhiều tiền . Về pháp lý, CLB HN.T&T thuộc Công ty cổ phần thể thao T&T, SHB.ĐN thuộc Công ty cổ phần thể thao SHB. Đà Nẵng. SHB tài trợ cho Công ty cổ phần thể thao SHB.ĐN và T&T tài trợ cho công ty cổ phần thể thao T&T. SHB và T&T là 2 công ty hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp. Về việc này, VFF đã thanh tra hằng năm và khẳng định đó không phải là tình trạng một ông chủ - 2 đội bóng. Tôi chỉ là CĐV yêu mến cả 2 CLB ấy thôi". 

"Về phần bầu Kiên hay bất cứ ai, có 5 hay 10 đội, tôi cũng mừng. Nếu yêu, đầu tư cho bóng đá thì tốt cho bóng đá chứ. Khi cá nhân một doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá, họ phải bảo vệ thương hiệu, uy tín, danh dự của cá nhân cũng như doanh nghiệp bởi tôi nghĩ rằng thương hiệu, uy tín phải tích lũy cả chục, thậm chí cả trăm năm của hàng nghìn, hàng vạn cán bộ CNV". 

"Muốn bóng đá phát triển, người làm bóng đá phải tự trọng và có lương tâm thì mới làm tốt cho bản thân và cho mọi người. Làm không tốt thì ông tự giết ông chứ không giết được bóng đá. Bóng đá vẫn sống và ông tự bị đào thoải ra khỏi cuộc chơi".

Theo vnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...