Bi kịch của cầu thủ làm thay đổi lịch sử bóng đá châu Âu
Tháng 6/1990, do khó khăn về tài chính lúc hợp đồng giữa hai bên hết hiệu lực, đội RFC Liege đề nghị Bosman ký hợp đồng mới với mức lương giảm 75%. Không đồng ý đề nghị này, Bosman nhận lời với đội bóng Pháp Dunkerque. Tuy nhiên Liege không cho phép ông ra đi vì Dunkerque không có khả năng trả khoản phí chuyển nhượng mà đội bóng Bỉ yêu cầu.
Bosman thời đi kiện để đòi công lý cho bản thân. |
Không có chốn nương thân và bất bình vì sự ngăn cản của đội bóng cũ, tháng 8/1990, Bosman khởi kiện Liege. Ngày 15/12/1995, Tòa án châu Âu ra phán quyết mang tên chính cầu thủ người Bỉ, cho phép cầu thủ tự do sang đội bóng khác khi hợp đồng hết hạn và xóa bỏ giới hạn về số lượng các cầu thủ nước ngoài đến từ Liên minh châu Âu (EU) trong các giải vô địch quốc gia ở châu Âu.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm của Bosman là sự kiện gây chấn động bóng đá thế giới giữa những năm 1990 và tạo nên một trong những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử bóng đá. Rất nhiều người hưởng lợi từ "Phán quyết Bosman" bằng cách gây sức ép buộc đội bóng chủ quản phải tăng lương cao ngất ngưởng. Nếu không được tăng lương, họ sẽ ra đi khi hết hạn hợp đồng và đội bóng chủ quản sẽ không thu được dù chỉ một xu phí chuyển nhượng. Rooney là trường hợp mới nhất trong số này khi lợi dụng việc sắp mãn hạn hợp đồng để ép MU phải tăng lương từ 90.000 bảng lên 200.000 bảng mỗi tuần hồi tháng 10/2010.
Tuy nhiên Bosman - người có công lớn nhất trong việc đòi quyền lợi cho các đồng nghiệp - chẳng được hưởng lợi từ phán quyết ấy. Ông cũng không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ những người như Rooney. Giờ đây, ở tuổi 46, Bosman sống một mình ở ngoại ô Liege trong một căn nhà nhỏ, tồi tàn - tài sản đáng giá duy nhất còn lại sau cuộc chiến pháp lý từng khiến ông tán gia bại sản.
Bosman nói rằng động lực sống duy nhất của ông giờ chỉ là hai cậu con trai nhỏ, Martin 2 tuổi và Samuel mới sinh được 5 tuần - kết quả của tình yêu với cô bạn gái hiện tại Carine. Nhưng đó cũng là một cuộc sống bi kịch khi Bosman không thể sống chung với mẹ con Carine vì sợ bị cắt giảm tiền trợ cấp. Ở riêng như bây giờ, hằng tháng Bosman và Carine được lĩnh mỗi người 625 bảng, 180 bảng trong số này được tính bằng tiền khí đốt để sưởi ấm trong nhà.
Nếu dọn về ở chung, Bosman, 2 con trai, Carine cùng một đứa con gái riêng tuổi 14 của cô sẽ chỉ được tính là một hộ, tương đương với việc chỉ được lĩnh cả thảy 875 bảng trợ cấp. Hoàn cảnh khó khăn buộc Bosman phải cố tìm việc, dù sức khỏe không cho phép. Ông đang hy vọng một trang web sẽ sử dụng hình ảnh của ông để khích lệ các hoạt động thể thao phong trào và từ đó giúp có thêm thu nhập.
Vào thời điểm Bosman thắng kiện, nhiều tin đồn cho rằng ông kiếm được rất nhiều tiền bồi thường, lên tới một triệu bảng, chưa kể 200.000 bảng do Hiệp hội Cầu thủ chuyển nghiệp (FIFPro) hỗ trợ và khoản tiền khác từ một trận đấu tôn vinh ông. "Họ nghĩ tôi có cả gia tài cơ đấy, nhưng nếu tôi bán cả gia tài đó đi, số tiền thu được có lẽ còn thấp hơn một ngày lương của Rooney hiện tại", Bosman chia sẻ.
Rooney (áo đỏ) là điển hình cho những cầu thủ được hưởng lợi từ Phán quyết Bosman. |
Bosman thừa nhận có lĩnh 200.000 bảng từ FIFPRo nhưng khoản tiền này thậm chí còn không đủ để thuê luật sư và nộp án phí theo kiện ròng rã 5 năm. Ông cũng nhận một chút tiền bồi thường nhưng phải nộp thuế cao và số còn lại thì cũng được trang trải cho việc thuê luật sư. Trận đấu tôn vinh Bosman dự kiến được tổ chức ở Barcelona thì không thành hiện thực vì không nhận được ủng hộ cần thiết, buộc ông phải chuyển trận đấu này sang Lille, Pháp và cũng chỉ thu được rất ít tiền bán vé do chỉ có vẻn vẹn 2000 người tới xem.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài còn khiến Bosman còn phải bán luôn cả chiếc Porsche đã qua sử dụng, một niềm đam mê thời trai trẻ. Chung số phận là căn nhà khang trang gắn liền với rất nhiều kỷ niệm gia đình ở trung tâm thành phố Liege mà cha mẹ ông cho thừa kế.
Những năm sau khi thắng kiện, cuộc sống của Bosman, như ông mô tả, còn hơn cả địa ngục: "Thường thì sau khi thắng kiện, bạn luôn cảm thấy thảnh thơi, thoải mái, nhưng tôi thì không. Truyền thông Bỉ không buông tha tôi và họ làm mọi cách để chống lại tôi. Tôi vì thế bị trầm cảm và sa đà vào rượu chè. Có thời gian, tôi chỉ ở nhà cả ngày nốc đủ các loại rượu bia".
Chứng nghiện rượu thời đó cùng khó khăn trong cuộc sống đã biến Bosman từ một tiền vệ khỏe mạnh thành người chịu hàng loạt bệnh về gan và trầm uất. Một lần ốm nặng kéo theo đợt nằm viện điều trị dài ngày đã làm thay đổi cuộc sống của ông. "Chiến thắng lớn nhất đời tôi không phải là ở tòa án, nơi luật Bosman ra đời, mà là ở cuộc chiến với rượu", Bosman cho biết và nói thêm giờ thì ông chỉ nâng cốc và uống chiếu lệ một chút vang đỏ vào những dịp đặc biệt.
Ngoài khó khăn về cuộc sống đời thường, Bosman giờ còn đau đáu một nỗi niềm khác. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đang xúc tiến kế hoạch giới hạn về số cầu thủ ngoại ở các CLB theo nguyên tắc "sáu cộng năm" với sáu cầu thủ do CLB đào tạo và 5 ngoại binh. Kế hoạch này, nếu được áp dụng, theo Bosman, sẽ khiến chiến thắng của ông trước Tòa án châu Âu năm nào trở nên kém ý nghĩa.
"Đấu tranh một thời gian dài, tôi nghĩ tên tuổi của mình có chỗ đứng nhất định trong lịch sử. Tôi vì thế không muốn thấy những gì mình tâm huyết trở nên vô nghĩa. Tôi vui khi thấy các cầu thủ ngày nay kiếm được nhiều tiền. Tôi không ghen tỵ với họ. Tôi đã hy sinh cả sự nghiệp và gia tài của mình để các cầu thủ châu Âu ngày nay không bị các CLB của họ đối xử như nô lệ. Nhưng tôi muốn được mọi người nhìn nhận một cách đúng đắn. Tất cả đều biết về "Phán quyết Bosman", nhưng không biết rằng có một người đã đánh mất tất cả để phán quyết đó ra đời".
Bosman, 46 tuổi, hiện rất nghèo túng. |
Mục tiêu lớn nhất với Bosman giờ chỉ là sống một cách tử tế, cố gắng kiếm tiền để nuôi hai con khôn lớn. "Nói như Khổng Tử, vinh quang lớn nhất trong đời người không nằm ở việc chúng ta không bao giờ vấp ngã, mà là ở cách chúng ta biết cách đứng dậy sau mỗi lần ngã xuống", ông kết luận.
Theo VnExpress
Bình luận