HLV Calisto với nhiệm vụ đưa U23 VN vào chung kết SEA Games 26: Không vô địch là vứt
Thêm một lần về nhì nữa, (ông Calisto đã có một chiếc HCB ở Vientiane) cũng đồng nghĩa với một sự thất bại, cho dù chỉ tiêu VFF đặt ra với ông Calisto chỉ là vào tới trận chung kết.
Nhì hay bét… như nhau
Có một thực tế, là dù không đặt chỉ tiêu vô địch, nhưng lãnh đạo VFF không hề giấu diếm mong muốn chạm tới đỉnh ở SEA Games 26.
Hiểu theo cách giải thích của TTK VFF Trần Quốc Tuấn, thì việc đặt mục tiêu vào tới chung kết chỉ là một cách để tránh gây áp lực lên các cầu thủ, chứ theo ông Tuấn, “trước mắt đặt mục tiêu như vậy đã, rồi sau tính tiếp. Còn đá bóng ai chẳng muốn vô địch. Vào chung kết cũng đã là thành công rồi, nhưng VN phải phấn đấu giành HCV”.
Dĩ nhiên ở đây không kể đến việc VFF cũng muốn đảm bảo một sự an toàn nhất định về mặt thành tích. Sau thành công ở AFF Suzuki Cup 2008, cũng đã 2 năm rồi các CĐV VN chưa được tận hưởng niềm vui chiến thắng trọn vẹn, từ SEA Games 25 năm 2009 cho đến AFF Suzuki Cup 2010. Cứ thua mãi, biết đâu lại ảnh hưởng đến “ghế” của ai đó?!
Ở SEA Games 26, HLV Calisto và các học trò liệu có làm tốt hơn SEA Games 25?
Một cách dễ hình dung nhất, trong trường hợp vào tới trận chung kết, nhưng không giành được thắng lợi cuối cùng, rất khó tin người hâm mộ VN lại có thể hạnh phúc, nếu không muốn nói là thất vọng. SEA Games 25 là một ví dụ. Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ngày hôm qua khi được hỏi, vẫn không quên nhắc lại trận đấu cuối cùng của thầy trò ông Calisto trên đất Vientiane, như một kỷ niệm buồn không thể quên.
“Mình đã nghĩ là xong rồi, nhưng hóa lại không phải. Nhớ lại cảm giác ấy, không khác gì ở Tiger Cup 1998. Thất vọng thế nào chắc ai cũng rõ”, nói như ông Dũng, thì trong cảnh ấy, nhì cũng thành… bét, bởi chiếc HCB không có ý nghĩa gì cả.
Calisto không thể là “Chuyên gia về nhì”
Nói vui, với cá nhân HLV Calisto, nếu tiếp tục thêm một lần thất bại, cho dù vào tới trận chung kết SEA Games 26, dễ có khả năng nhà cầm quân người Bồ Đào Nha phải thừa hưởng danh hiệu “Chuyên gia về nhì” của người tiền nhiệm Alfred Riedl.
Những người khó tính thường vẫn chê ông Riedl về mặt chuyên môn và cả qua những chiếc HCB của ông với bóng đá VN, nhưng việc có tới 3 lần được VFF mời, trong đấy có cả lần vượt qua chính ông Calisto, tin là ông Riedl không phải đến mức kém như thế.
Thành công với Lào và Indonesia gần đây là một minh chứng, chưa kể đến dưới thời ông Riedl, ĐTVN từng đạt được không ít bước tiến. Vì thế, sẽ là bất công nếu không ghi nhận những đóng góp của ông thầy người Áo với BĐVN.
HLV Calisto cũng vậy. Không thể phủ nhận rằng ĐTVN dưới thời ông Calisto đã hình thành một lối chơi cá tính, có bản sắc riêng. Hai thất bại liên tiếp gần đây (cùng dưới tay K.Rajagopal) được nhìn nhận như hệ quả của những sai lầm về mặt chiến thuật. Hay nói cách khác, ông Calisto đã “thấp cơ” hơn đồng nghiệp người Mã.
Ở đây cần phải nói thêm, là sau 2 lần bị Malaysia cho “đo ván”, có vẻ như VFF bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến đội bóng của ông Rajagobal, thay vì Thái Lan như trước kia. TTK VFF Trần Quốc Tuấn khi được hỏi, đã rất nhanh chóng khẳng định, Malaysia là đối thủ chính của VN ở SEA Games 26.
Vì Malaysia là đương kim vô địch. Vì ông Rajagopal đang có lực lượng trẻ đã trưởng thành qua nhiều giải đấu. Vì Olympic VN đang trong giai đoạn chuyển đổi, không thật ổn định… Tóm lại là phải đề phòng người Mã.
Trở lại với vấn đề ở trên, đã rõ là không chỉ người hâm mộ VN, lãnh đạo VFF cũng đang khát khao một lần chạm đỉnh ở SEA Games. Như thế, với cá nhân ông Calisto, chiếc HCB cũng đồng nghĩa với một sự thất bại.
Sẽ không có chuyện U23 VN vào tới trận chung kết, và thua, rồi HLV Calisto vẫn có thể tự tin khẳng định đấy là một thành công của mình. Ông Calisto chắc chắn hiểu rõ điều đó. VFF có thể không đặt ra vấn đề cắt hợp đồng trước thời hạn, nhưng khó tin ông Calisto lần thứ 3 có thể đứng lên nhận trách nhiệm rồi… thôi như 2 lần trước đó. Mà người hâm mộ mới chỉ nghĩ đến cảnh đó đã thấy “chán” rồi!
Bởi vậy, ở SEA Games 26 phải là HCV chứ không thể khác, thưa ông Calisto!
Theo Thethaovanhoa
Bình luận