Thứ hai, 13/01/2025, 18:38 [GMT+7]

Muốn tấn công, phải có bóng!

Thứ tư, 11/05/2011 - 07:42'
Đó là nguyên lý cơ bản trong bóng đá. Và nguyên lý cơ bản đó đã được vị HLV lão luyện Ferguson ứng dụng quá hoàn hảo để “đóng cửa” Chelsea trong trận cầu phải thắng hôm chủ nhật qua.

Muốn tấn công, phải có bóng!

Các cầu thủ M.U vui mừng sau khi đánh bại Chelsea

Chẳng phải việc M.U có được bàn thắng ngay sau tiếng còi khai cuộc là do ý đồ tấn công phủ đầu của HLV Ferguson. Mà ý đồ của “già làng” Giải Ngoại hạng Anh trong trận “chung kết” của cả mùa giải là tranh thủ khống chế bóng xuyên suốt trận đấu để giảm thiểu áp lực tấn công trong trận cầu phải thắng của Chelsea. Nên đừng nghĩ, bàn thắng sớm của trung phong cắm Hernandez xuất phát từ đòn đánh phủ đầu, mà đó chỉ là phần tiếp theo của ý đồ khống chế bóng. Hay nói cách khác, M.U chủ động khống chế bóng để bóp nghẹt mọi phương án tấn công của Chelsea từ trong trứng nước, và khi có tình huống thuận lợi, thì triển khai tấn công ghi bàn. Bàn thắng mở tỷ số của Hernandez hay bàn nâng tỷ số lên 2-0 của trung vệ Vidic và nhiều cơ hội khác bị bỏ lỡ do Rooney và Hernandez kết thúc không chuẩn xác đều nằm trong phần mềm “khống chế bóng” mà Ferguson đã lập trình. Điều đó thể hiện rất rõ qua cách vận hành sơ đồ chiến thuật của M.U. Mặc dù xuất phát với hai tiền đạo Rooney và Hernandez, nhưng thực chất M.U lại vận hành như một sơ đồ 4-5-1. Trong đó, tiền vệ Valencia thường xuyên bám biên phải để “đè” hậu vệ cánh trái A.Cole, nhằm chia cắt sự phối hợp tấn công của hậu vệ tuyển Anh với Malouda bên hành lang trái, một hướng tấn công gần như là chủ lực của Chelsea trong sơ đồ 4-3-3. Còn ở khu vực giữa sân và cánh trái, Rooney thường xuyên lui về cũng như khả năng hoán đổi vị trí hoàn hảo giữa Giggs và Park Ji Sung, cùng với Carrick trong vai trò tiền vệ trụ, M.U đã dễ dàng chiếm lĩnh điểm nóng khu trung tuyến trước bộ ba tiền vệ Lampard, Mikel và Essien của Chelsea. Với một sơ đồ mà M.U vừa chiếm lĩnh được điểm nóng khu trung tuyến, vừa ngăn cản được hướng tấn công chủ lực bên hành lang trái, thì bóng đâu để mà Chelsea tấn công? Bàn thắng rút ngắn tỷ số 1-2 của Lampard ở phút 69 chẳng qua xuất phát từ đường câu bóng cầu âu vào trung lộ của Ramires, bóng tìm đến đầu của Ivanovic và sau đó lại tìm đúng cái chân của Lampard, chứ không phải là pha bóng tổ chức tấn công mạch lạc.

Không riêng gì trong trận “chung kết” với Chelsea, mà trước đó HLV Ferguson cũng đã ứng dụng rất thành công nguyên lý “muốn tấn công, phải có bóng” trong trận lượt về bán kết Champions League với Schalke. Cũng như Chelsea, Schalke buộc phải thắng, và cũng như Chelsea trong trận cầu phải thắng, Schalke không có được nhiều bóng để tấn công trước lối chơi khống chế bóng của M.U trong sơ đồ 4-5-1. Nhắc lại để thấy Sir Alex quá “ác”, và nhắc lại để thấy công đầu trong chiến tích của M.U (lọt vào chung kết Champions League và gần như đã đoạt danh hiệu vô địch Premier League) trong mùa giải năm nay thuộc về HLV Ferguson.

Theo Tinthethao

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...