Năm đại thành công của thể thao châu Á
Với người hâm mộ châu Á, khu vực đang tiến bộ nhanh trong môn trượt băng nghệ thuật, tấm huy chương vàng Olympic mùa đông của VĐV người Hàn Quốc Kim Yuna là một sự khởi đầu hoàn hảo cho năm 2010. Cô giành chiến thắng thuyết phục ở nội dung đơn nữ bằng cách phá kỷ lục điểm ở cả ba phần thi: bài biểu diễn ngắn, bài biểu diễn tự do và tổng điểm.
Chứng kiến phong độ xuất sắc của Kim, nữ ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã phải bật lời ngợi khen. “Giờ đây, khi nhìn lại Olympic mùa đông ở Vancouer (Canada), dường như nhiệm vụ đoạt huy chương vàng không khó như tôi nghĩ. Tôi tin đó là số phận dành cho tôi”, Kim nói.
Ngôi sao trượt băng Kim Yuna. |
Ở môn quyền anh, võ sĩ người Philippines Manny Pacquiao đã ghi tên vào danh sách những huyền thoại bằng chiến thắng trước Antonio Margarito trong trận tranh đai vô địch hạng siêu bán trung WBC. Đây là danh hiệu vô địch thế giới thứ 8 ở 8 hạng cân khác nhau (dưới hạng nặng), thành tích khiến giới chuyên môn khẳng định Pacquiao là võ sĩ hay nhất trong lịch sử.
Trong môn cricket, VĐV người Ấn Độ Sachin Tendulkar cũng có một năm xuất sắc. Anh được chọn là VĐV cricket hay nhất năm, vượt qua sự cạnh tranh của siêu sao đồng hương Virender Sehwag, VĐV người Nam Phi Hashim Amla và VĐV người Anh Graeme Swann.
Ấn Độ cũng có một lý do nữa để vui mừng nhờ thành công ở môn golf. Arjun Atwal trở thành VĐV Ấn Độ đầu tiên giành chiến thắng tại PGA Tour khi đăng quang tại giải Wyndham Championship ở Bắc Carolina (Mỹ). “Tôi đã ôm mộng giành chiến thắng này từ lâu. Tôi không tin đó là sự thật ngay cả khi được trao Cup”, Atwal nói.
Trong môn cầu lông, các VĐV Trung Quốc có một năm thành công đặc biệt. Tại giải vô địch thế giới, Trung Quốc giành cả 5 danh hiệu vô địch - kỳ tích xảy ra lần đầu tiên kể từ năm 1987.
VĐV cầu lông Lin Dan của Trung Quốc. |
Trung Quốc cũng đạt được bước tiến trong môn quần vợt: có hai tay vợt lần đầu tiên cùng lọt vào bán kết một giải Grand Slam. Được gọi là những “đóa quốc hoa”, hai tay vợt Li Na và Zheng Jie cùng vào bán kết giải Australia mở rộng. Thành tích của họ tạo ra hiệu ứng chưa từng có tại đất nước đông dân nhất thế giới. Hầu hết các trang thể thao Trung Quốc hồi tháng 1 đều in đậm hai cụm từ “quần vợt” và “niềm tự hào”.
Về mặt tổ chức châu Á cũng gây tiếng vang lớn với Asiad Quảng Châu, Trung Quốc. Nước chủ nhà chi nhiều tỷ USD để xây mới, sửa chữa các SVĐ, tổ chức thành công giải và tạo ấn tượng mạnh với nhiều quốc gia. Các tình nguyện viên xinh đẹp và đội hoạt náo viên quyến rũ trở thành tâm điểm của giới truyền thông.
Năm thành công của thể thao châu Á được khép lại với niềm vui Qatar. Quốc gia ở vùng Trung Đông khắc nghiệt trở thành nước chủ nhà World Cup 2022. Qatar gây ấn tượng mạnh về khả năng tài chính và các bước chuẩn bị tranh cử. Giờ đây, nước này đang lên kế hoạch xây mới một mạng lưới đường sắt trị giá 25 tỷ USD, một sân bay 11 tỷ, một cảng biển nước sâu 5,5 tỷ và các tuyến đường mới 20 tỷ.
Theo vnexpress
Bình luận