Thứ bảy, 11/01/2025, 22:48 [GMT+7]

Ngôi sao 'triệu đô' của làng quần vợt Việt Nam

Thứ ba, 08/03/2011 - 17:56'
16 tuổi, tay vợt được gia đình bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư - Nguyễn Hoàng Thiên bước đầu khẳng định mình khi đã có trong tay những thành tích ở các giải trẻ và hơn hết đã được khoác áo tuyển quốc gia dự Asiad Quảng Châu.
Hoàng Thiên đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho chuyến du đấu 4 nước trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: An Nhơn.
Hoàng Thiên đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho chuyến du đấu 4 nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tại sân tập Phú Thọ (TP HCM) ngày cuối tháng 2, dưới cái nắng gắt, tay vợt 16 tuổi, cao 1,72 m, da ngăm đen trong chiếc áo đẫm mồ hôi vẫn miệt mài tập luyện với trái bóng nỉ theo giáo án của hai chuyên gia nước ngoài. Tài năng trẻ của quần vợt Việt Nam Nguyễn Hoàng Thiên vừa trở về nước sau chức vô địch đôi ở giải U18 ITF nhóm 4 tại New Zealand.

Mới 8 tuổi Hoàng Thiên đã làm quen với trái bóng nỉ. Phát hiện cậu con trai có năng khiếu, tố chất với môn quần vợt, ông Nguyễn Ngọc Minh quyết định sẽ bỏ ra triệu USD để Hoàng Thiên trở thành tay vợt nhà nghề. Từ đó, trong khi các bạn đồng trang lứa cắp sách đến trường thì Thiên dừng lại ở chương trình lớp 5 để bắt đầu con đường chinh phục đỉnh cao thể thao chuyên nghiệp. "Nếu chỉ nhằm giúp Hoàng Thiên trở thành tay vợt số một Việt Nam thì tôi không cần phải đầu tư tốn kém. Cái tôi hướng đến đó là Hoàng Thiên thành tay vợt chuyên nghiệp, thi đấu ở các giải đấu lớn trên thế giới", ông Minh nhấn mạnh.

Năm 2005 Hoàng Thiên được gia đình đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn ở Học viện quần vợt trẻ Florida. Sau một năm học tại đây với chi phí hơn 50.000 USD, ông Minh thấy trình độ con trai tiến bộ rõ nét. Nhưng để trở thành tay vợt chuyên nghiệp thế chưa đủ. Năm 2007 ông Minh thuê hẳn các HLV nhà nghề như Ashok Bikkannvar (Mỹ), Roy Coopersmith (Mỹ), Didier Eysseric (Pháp) tập luyện riêng cho Hoàng Thiên.

Không chỉ bỏ tiền, thuê thầy giỏi đầu tư cho con trai mà trong qua trình thi đấu tại nước ngoài, ông Minh và vợ đều theo sát động viên con trai. Để có thể dành toàn thời gian theo dõi Hoàng Thiên tập luyện, thi đấu, hiện ông Minh đã nhường việc điều hành ở công ty bất động sản lại cho người trong gia đình. "Cha mẹ luôn là nguồn động viên lớn giúp tôi phấn đấu không ngừng", Thiên cho biết.

Qua 6 năm được gia đình đầu tư, Hoàng Thiên đã tiến bộ rõ nét, gặt hái được những thành công bước đầu. Đó là chức vô địch một giải U14 ở Mỹ năm 2009, hai lần vô địch U18 nhóm 5 ITF ở Việt Nam, U14 châu Á, đơn nam và đôi nam tại giải Chadigah (Ấn Độ) cho lứa tuổi dưới 14. Năm 2010, mới 15 tuổi, Hoàng Thiên đã được gọi vào tuyển quốc gia tham dự ASIAD tại Quảng Châu, Trung Quốc và anh đã lọt tới vòng 2. Mới đây, trong lần đầu tham dự giải Grand Slam trẻ ở Australia, Hoàng Thiên đã có một trận thắng ở vòng loại. Tại giải U18 ITF nhóm 4 ở New Zealand, Hoàng Thiên xuất sắc vào bán kết đơn nam và vô địch đôi nam giải U18.

"Việc Thiên lần đầu có mặt ở giải trẻ Grand Slam là niềm tự hào của gia đình. Việc được đấu với những đối thủ lớn tuổi hơn, tay vợt nhỉnh hơn sẽ giúp Thiên cọ xát, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Tôi tin ở giải trẻ Australia Mở rộng năm sau, Hoàng Thiên sẽ tiến xa hơn", ông Minh đặt niềm tin nơi cậu con trai.

Theo ông Minh, nếu chỉ xét về thể lực thì ở giải trẻ Grand Slam vừa qua Thiên không thua bất kỳ đối thủ ngang tầm nào. “Điểm yếu của Hoàng Thiên hiện tại là tinh thần, tâm lý thi đấu, độ chuẩn xác, sức mạnh, khả năng di chuyển trên sân... ", ông Minh đánh giá.

Nhìn con trai toát mồ hôi dưới cái nắng theo giáo án gắt của hai chuyên gia nước ngoài, ông Minh cho rằng chính sự kiên nhẫn tập luyện của Thiên là động lực giúp ông không bỏ cuộc. Ông cho biết để có được Hoàng Thiên như hiện nay thì một triệu USD mà ông bỏ ra đã mất gần phân nửa. "Đây là thời điểm Hoàng Thiên cần phải được tập luyện tích cực, đúng hướng, nếu không những gì đã đầu tư trong những năm qua coi như muối bỏ bể. Một chấn thương cũng sẽ làm sự nghiệp của Thiên dừng lại. Thế nên mỗi bước đi vào lúc này của Hoàng Thiên cần có sự tính toán kỹ lưỡng".

Từ khi gắn với quần vợt, Thiên hầu như không còn thời gian đi chơi bên ngoài. Hiện sau hai buổi tập sáng và chiều, Hoàng Thiên tiếp tục bước vào hai giờ học văn hóa tại nhà. Thiên đang học chương trình lớp 8 chung với cậu em trai. Các môn Thiên học chủ yếu là Toán, tiếng Anh, Lý, Hóa... Tập luyện gần như suốt tuần, Thiên chỉ được nghỉ chiều thứ bảy và ngày chủ nhật. Những thời gian rỗi, Thiên thường xem phim, nghe nhạc nước ngoài và chơi các môn thể thao khác như bóng đá, bóng rổ. Cường độ tập luyện cao nhiều lúc căng thẳng nhưng Hoàng Thiên cho biết, chưa có bao giờ có ý định bỏ cuộc giữa chừng. "Đôi lúc mệt mỏi nhưng tôi không muốn từ bỏ đam mê của mình", chàng trai 16 tuổi nói.

Hoàng Thiên được rèn luyện thể lực dưới chỉ dẫn của chuyên gia nước ngoài. Ảnh: An Nhơn.
Hoàng Thiên rèn luyện thể lực dưới chỉ dẫn của chuyên gia nước ngoài.

Theo nhận định của hai HLV người Pháp hiện dẫn dắt Hoàng Thiên - ông Tom Kindavong và ông Marcel Dominique Petit, nếu duy trì được vị trí trong top 300 trẻ thế giới như hiện nay, Hoàng Thiên sẽ đủ chuẩn dự tranh 3 Grand Slam trẻ còn lại trong năm 2011 gồm: giải Pháp mở rộng (cuối tháng 5, đầu tháng 6), giải Wimbledon (cuối tháng 6, đầu tháng 7) và giải Mỹ mở rộng (cuối tháng 8, đầu tháng 9).

Ngày 25/2, Hoàng Thiên sẽ lên đường du đấu 4 giải trong vòng một tháng tại Thái Lan, Malaysia và Philippines. Hoàng Thiên sẽ tranh 3 giải ở nhóm một và một giải ở nhóm 4. Tháng 4, Hoàng Thiên sẽ sang Pháp tập huấn, thi đấu cho đến cuối năm 2011. Đây là thời điểm mà hai HLV người Pháp muốn hỗ trợ Hoàng Thiên tập luyện ở mặt sân đất nện. "Mục tiêu của tôi năm nay là có mặt trong top 100 tay vợt trẻ hàng đầu thế giới", Hoàng Thiên cho biết.

Theo vnexpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...