Từng bước chủ động nguồn giống
Trong những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản. Ảnh: VIỆT HOA
Những thành tựu nổi bật
Tuy mới phát triển được khoảng 15 năm, nhưng nghề nuôi cá nước lạnh và công tác nghiên cứu, sản xuất giống cá ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Cả nước hiện có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu... Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Theo đó, mỗi năm, nhu cầu khoảng 5 triệu con giống (cá tầm 4 triệu con; cá hồi 1 triệu con).
Trước đây có hai hình thức sản xuất, ương dưỡng con giống đó là: nhập trứng cá đã thụ tinh từ các nước về để tiếp tục ấp, sau đó ương lên thành cá hương, cá giống; hoặc nhập trực tiếp cá hương về để ương lên thành con giống với các kích thước khác nhau rồi cung cấp cho thị trường. Để giảm phụ thuộc vào nguồn con giống nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III thực hiện Dự án "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm" triển khai từ năm 2018-2019. Dự án cho kết quả tốt, qua đó đã khép kín được quy trình sản xuất giống nhân tạo (từ nuôi cá bố mẹ, cho sinh sản nhân tạo và ương lên thành giống) ba loài cá tầm gồm: Nga, Siberia và Sterlet.
Ông Nguyễn Viết Thùy - Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản vùng III) chia sẻ: Hiện nay, quy trình sản xuất giống cá tầm bắt đầu được triển khai ứng dụng rộng rãi, đã đáp ứng được 20% nhu cầu về con giống của người chăn nuôi trong nước. Dự kiến trong vài năm tới, Việt Nam sẽ chủ động được khoảng 60-70% cá giống tầm, khi hàng chục tấn cá tầm bố mẹ đang được nuôi ở các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp đến độ tuổi sinh sản.
Ở lĩnh vực sản xuất tôm giống, có thể kể đến Tập đoàn Việt-Úc, đơn vị tiên phong đã mạnh dạn đầu tư vào phân khúc tôm bố mẹ. Sau nhiều năm tiến hành di truyền và chọn giống dưới sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, cũng như từ phía Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia Australia (CSIRO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức cho phép Tập đoàn Việt-Úc đưa tôm thẻ chân trắng bố mẹ vào thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho cả ngành tôm Việt Nam. Việt-Úc đã nghiên cứu, chọn tạo được giống tôm thẻ chân trắng thế hệ G9, có tỷ lệ sinh trưởng và phát triển hơn 60% so với tôm đầu tiên, thích nghi tốt khí hậu và thổ nhưỡng của nhiều địa phương. Chương trình chọn tôm giống bố mẹ này góp phần thay đổi thứ hạng ngành tôm Việt Nam trên bản đồ thế giới, là chìa khóa để chủ động sản xuất nguồn tôm giống công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ thành công và lợi nhuận cho người nuôi.
Tập đoàn Việt-Úc có chín công ty giống quy mô lớn đang hoạt động tại Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh và Sóc Trăng, với tổng công suất đạt hơn 50 tỷ con giống/năm, với thị phần hơn 25%. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Việt-Úc Quảng Ninh chia sẻ: "Thiếu hụt về số lượng dẫn đến hệ quả là chất lượng khó có thể kiểm soát được. Khi chủ động được nguồn tôm bố mẹ là chúng ta chủ động được cả về chất lượng và số lượng. Việc nghiên cứu, tạo giống thành công không chỉ phục vụ cho hoạt động nuôi trồng, phát triển tôm của riêng bản thân Việt-Úc mà còn phục vụ phát triển cho ngành tôm của cả nước nói chung"…
Siết chặt thị trường tôm giống
Tôm giống có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành tôm, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, chưa thể chủ động được tôm bố mẹ.
Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy: Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 200.000-250.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ (chiếm 90% lượng tôm bố mẹ). Một phần tôm sú bố mẹ vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện tại, nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh. Tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm, vào mùa cao điểm thả giống, vẫn còn số lượng lớn tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn tham gia sản xuất, cung ứng và được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở không bảo đảm điều kiện khi cung cấp con giống ra thị trường, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi.
Ông Nhữ Văn Cẩn - Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) khuyến nghị: Các địa phương có cơ sở sản xuất giống thủy sản cần ưu tiên rà soát, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định. Các đơn vị tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng giống trong lưu thông, không để lọt, sót giống thủy sản chưa được kiểm dịch từ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống không bảo đảm điều kiện theo quy định; không có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng.
Để kiểm soát chất lượng tôm giống, theo ông Trình Trung Phi - Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt-Úc, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, địa phương. Trước hết, cơ quan quản lý ngành dọc là Tổng cục Thủy sản cần phối hợp địa phương tăng cường công tác kiểm tra thời hạn sử dụng tôm bố mẹ theo quy định; chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống tôm trước khi xuất bán ngoại tỉnh. Nhà nước cần điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học-công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta.
Năm 2022, nhu cầu về tôm giống bố mẹ phục vụ cho sản xuất giống khoảng 260.000-270.000 con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000 con, tôm sú 60.000 con. Nhu cầu tôm giống để nuôi thương phẩm khoảng 140-150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con). Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại 980.000 tấn. Trong đó tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn, còn lại là tôm khác.
Cập nhật: Thứ Sáu, 20-05-2022, 16:30/THÀNH TÂM/https://nhandan.vn/
Bình luận