Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân
Trước đây nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Nậm hàng (thị trấn Nậm Nhùn) chủ yếu là tự cung tự cấp, lấy từ con suối và các mó nước quanh bản, không qua xử lý và cũng ít ai quan tâm đến chất lượng nguồn nước đang dùng hàng ngày. Khi các công trình xây dựng lớn được triển khai tại huyện dẫn tới diện tích con suối bị thu hẹp, các mó nước ít dần. Vào những ngày cao điểm của mùa khô, việc thiếu nước sinh hoạt đã trở thành câu chuyện “cơm bữa” của nhiều hộ dân trong bản. Năm 2006, công trình cấp nước sinh hoạt của bản được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, phục vụ cung cấp đủ nước sinh hoạt hàng ngày cho 90 hộ, 456 nhân khẩu trong bản. Bà Khoàng Thị Choi - người dân bản Nậm hàng chia sẻ: “Trước đây, vào thời gian cao điểm mùa khô, nhà tôi gần như không có nước sinh hoạt, hàng ngày muốn có nước nấu ăn phải đi xa để lấy mà mỗi chuyến đi cũng chỉ mang về đủ lượng nước phục vụ ăn uống 1 ngày. Từ khi công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng, đưa vào hoạt động tại bản, gia đình tôi mừng lắm. Gia đình tôi đầu tư xây bể chứa nước (3m3) và mua đường ống dẫn nước từ công trình cấp nước về nhà để sử dụng. Đến nay, việc thiếu nước sinh hoạt không còn là nỗi lo thường xuyên của gia đình tôi và các hộ dân trong bản”.
Người dân bản Nậm Hàng (thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn) sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt.
Hiện, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có 57 công trình cấp nước sinh hoạt đang hoạt động, trong đó: 31 công trình hoạt động bền vững (chiếm 54,4%); 15 công trình hoạt động trung bình (chiếm 26,3%). 65/73 bản có công trình cấp nước sinh hoạt, 3.830/5.265 hộ được sử dụng nước sinh hoạt (chiếm 72,74%). Các công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng tại huyện từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ... theo nhiều chương trình, dự án khác nhau (chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, 135/CP, tái định cư...). Các công trình được xây dựng đảm bảo đủ các thông số: tên công trình, địa điểm xây dựng, năm xây dựng (thời gian khởi công, hoàn thành, sửa chữa), tổng mức đầu tư, nguồn vốn, quy mô công trình, công suất sử dụng (thiết kế, thực tế), hiện trạng sử dụng (đập đầu mối, các bể chứa, bể lọc, tuyến ống). Hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn đều vận hành, khai thác theo hình thức tự khai thác, vận hành do những người được tín nhiệm trong bản thực hiện.
Là xã cách xa trung tâm huyện, Hua Bum có 4 công trình cấp nước sinh hoạt đang hoạt động phục vụ cho 267 hộ, 1.238 nhân khẩu trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: “Hiện nay, người dân trong xã đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các bể nước cộng đồng (được Nhà nước xây dựng) dẫn nguồn từ các công trình nước sinh hoạt. Mỗi bể từ 10 - 15 hộ sử dụng. Các hộ này sẽ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ bể chứa và đường ống dẫn nước tại hệ thống cấp nước nhà mình đang sử dụng. Các bản đưa công tác bảo vệ, giữ vệ sinh tại các công trình cấp nước vào hương ước, quy ước của bản, được người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia”.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, điều hành, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn vẫn còn tồn tại những hạn chế như: công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư hoạt động bền vững chiếm tỷ lệ chưa cao; năng lực tổ chức quản lý cán bộ cấp xã còn yếu, chưa tận dụng được lợi thế nhân lực sẵn có tại chỗ để bố trí vào công tác vận hành khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên cho công trình cấp nước sau đầu tư. Mặt khác, các công trình tự chảy xây dựng tại vùng miền núi với địa hình phức tạp, tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá xa khu dân cư khó bảo quản, trông coi. Những năm gần đây xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên dẫn đến hư hỏng công trình, nhất là đập ngăn nước, tuyến ống đi qua các khe suối.
Để khắc phục những tồn tại trên, phát huy tối đa hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, thời gian tới huyện Nậm Nhùn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp một phần kinh phí xây dựng, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng, công vận hành, quản lý công trình. Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình cho những vùng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, vùng khó khăn về nguồn nước để người dân không lo thiếu nước sinh hoạt.
Ngọc Duy
Bình luận