Thứ ba, 14/01/2025, 00:08 [GMT+7]

Bảo tồn di tích: Có công nhận, thì cũng cần có thu hồi

Thứ ba, 02/08/2016 - 08:59'
Khi một di tích của Việt Nam được cấp bằng công nhận, nó gần như sẽ là tấm bằng vĩnh viễn. Rất hiếm có trường hợp bị thu hồi, cho dù di tích đó bị thay đổi, bị đập đi xây lại khác với nguyên gốc khi được công nhận rất xa. Chính "lỗ hổng" này khiến các địa phương không chịu áp lực bảo tồn di tích, di tích luôn đứng trước nguy cơ bị biến dạng méo mó vì không có áp lực cần phải bảo tồn.

Chùa Quan Âm (Xuân Canh, Đông Anh). Ảnh minh họa.

Năm 2009 là một dấu mốc quan trọng với người dân Dresden (Liên bang Đức). Thung lũng Elbe đẹp như cổ tích của thành phố này đã chính thức bị UNESCO tước danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. Điều này chỉ xảy ra vỏn vẹn năm năm sau khi thung lũng Trung Âu này tưng bừng đón nhận danh hiệu. Nguyên do chỉ bởi một cây cầu bốn làn đường được xây dựng ngang qua con sông ở thung lũng. Công trình được cho là gây tác động nghiêm trọng tới sự toàn vẹn của di sản, không còn xứng với danh hiệu Di sản thế giới. Ngay khi chính quyền địa phương có ý định xây dựng cây cầu, đại diện UNESCO đã đưa ra lời cảnh báo. Và không lâu sau khi cây cầu hoàn thành, UNESCO đã... không nói chơi.

Dù là di sản vật thể hay phi vật thể, sau khi công nhận, UNESCO vẫn theo sát tình hình các di sản, yêu cầu chính phủ các nước báo cáo về hiện trạng và các đoàn khảo sát vẫn định kỳ làm việc. Ngay với Việt Nam, các di sản được UNESCO công nhận hẳn đã biến dạng đi rất nhiều nếu không có những khuyến nghị của UNESCO. Tất nhiên, cả áp lực về việc bị tước danh hiệu, nếu không thực thi các cam kết bảo tồn hữu hiệu. Chính cơ chế khiến các cơ quan chức năng của Việt Nam nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng có trách nhiệm hơn với công tác bảo tồn, khai thác các di sản được UNESCO công nhận.

Rõ ràng, cơ chế "có thưởng - có phạt" của UNESCO đã đem lại hiệu quả. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, một khi di tích được công nhận, nó gần như là tấm bằng vĩnh viễn. Cho đến nay, chưa một trường hợp nào bị tước bằng công nhận vì lý do tương tự như trường hợp ở thung lũng Elbe. Cũng chưa có lời cảnh báo nào về việc rút danh hiệu di tích, khi để xảy ra các vi phạm trong công tác bảo tồn, tu bổ. Mới có một vài trường hợp di tích bị rút danh hiệu, hoặc hạ cấp từ di tích quốc gia xuống di tích cấp tỉnh/ thành phố do quá trình làm hồ sơ địa phương đã "nâng" giá trị lên cao quá so với thực tế, chẳng hạn như trường hợp thu hồi quyết định công nhận di tích với di tích lịch sử Miếu Mộ và Nhà thờ Phan Vân (xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vào năm 2003.

Không bị áp lực "mất danh hiệu" là một trong những nguyên nhân khiến chủ nhân của những di tích thiếu trách nhiệm trong công tác bảo tồn. Và tình trạng biến dạng di tích xảy ra nhiều nhất là khi tôn tạo, tu bổ. Hầu như di tích nào khi tu bổ cũng được làm... to đẹp hơn. Một điển hình cho sự hoành tráng hóa di tích là chùa Quan Âm (xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội).

Ngôi chùa này vốn rất xinh xắn, nằm yên tĩnh dưới những tán cây yên bình. Chùa Quan Âm được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2000 nhờ những nét đẹp kiến trúc, điêu khắc đặc trưng cho nghệ thuật thế kỷ 18-19.

Thế nhưng sau khi được trùng tu từ cuối năm 2012, không ai còn đủ khả năng nhận ra bất kỳ đường nét đặc trưng nào của ngôi chùa trước đây nữa. Ngoài một số pho tượng được giữ lại, gần như tất cả được đập đi xây mới hoàn toàn, nhất là các cấu kiện gỗ, chưa kể rất nhiều hạng mục bằng đá được xây dựng mà nguyên gốc hoàn toàn không có. Tấm bằng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia được cấp trên cơ sở nét đẹp của kiến trúc, điêu khắc cổ của ngôi chùa. Nếu hư hại, xuống cấp, việc tôn tạo là cần thiết, nhưng phải gần nhất so với nguyên gốc. Rõ ràng, việc tiếp tục treo tấm bằng công nhận di tích ở một... ngôi chùa khác (ngoại trừ địa điểm, và cái tên cũ) bỗng trở thành một điều vô lý. Nếu di tích bị biến dạng do thiếu kinh phí sửa chữa còn có thể thể tất. Còn trường hợp này thì dứt khoát không.

Những câu chuyện tương tự như kể trên xảy ra ở rất nhiều di tích khác nhau. Nhưng chúng ta hiện nay là chỉ đưa ra kêu gọi bảo vệ di tích một cách chung chung. Với các quy định hiện hành về bảo tồn di sản văn hóa, sẽ không bao giờ có một trường hợp "Elbe Việt Nam". Bởi sau khi được công nhận di tích, chúng ta chỉ kêu gọi bảo vệ chung chung. Nếu tu bổ sai phạm tự ý phá đi xây lại thì cũng chỉ kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tìm biện pháp hợp thức hóa sai phạm, cùng lắm là dỡ cấu kiện (di tích Việt chủ yếu là cấu kiện gỗ) ra sửa lại cho phù hợp, như trường hợp xảy ra ở chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), chùa Sổ (huyện Thanh Oai)... Hiện Luật Di sản Văn hóa cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa xây dựng một quy trình tước danh hiệu di tích, hoặc hạ cấp danh hiệu di tích nếu để xảy ra tình trạng làm thay đổi di tích. Nhưng cũng vì không có biện pháp cứng rắn, nên sai phạm cứ liên tục xảy ra, hoặc tái diễn ở nhiều di tích.

Nỗi lo bị UNESCO tước danh hiệu khiến chúng ta phải nỗ lực thực hiện tốt hơn các cam kết bảo tồn di sản, dù là Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế hay hát xoan, ca trù... Chúng ta đều biết sự khác biệt giữa di tích được cấp bằng công nhận và không được công nhận. Và cách thức "thưởng - phạt" song hành là bài học cần sớm được áp dụng ở Việt Nam.

Theo TUỆ PHƯƠNG/nhandan/Thứ Sáu, 29/07/2016, 17:15:57

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...