Thứ ba, 14/01/2025, 19:02 [GMT+7]

Bằng chứng chủ quyền trên hai quần đảo tiền tiêu

Thứ ba, 10/01/2017 - 10:07'
Hai tấm bia chủ quyền được đặt trên đảo Song Tử Tây và Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa chính là một trong những chứng cứ quan trọng thể hiện sự quản lý toàn thể và liên tục của Việt Nam đối với quần đảo này.

Bang chung chu quyen tren hai quan dao tien tieu - Anh 1

Bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: Trần Thu Hà

Thời gian, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh và những biến động lịch sử… đã khiến cho nhiều thư tịch cổ thất lạc, nhưng phần còn lại dù không nhiều cũng đủ sức nói lên tiếng nói đanh thép, minh chứng cho một sự thật không thể thay đổi, rằng Việt Nam đã xác lập chủ quyền lịch sử từ hàng trăm năm nay trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Những bằng chứng lịch sử

Liên tục từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường có sự hiện hữu của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là các hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, các hải đội được triều đình nhà Nguyễn cử đi làm nhiệm vụ thực thi chủ quyền, ghi lại hải trình và thu lượm sản vật.

Hiện nay, trong hệ thống hồ sơ tư liệu thời kỳ Đại Việt đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX có gần 30 tư liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Trong đó, tiêu biểu là các bản đồ cổ của Việt Nam gồm: “Toàn tập Thiên Nam tư chí lộ đồ thư” trong Hồng Đức (thế kỷ XVII), “Toàn tập An Nam lộ” trong sách “Thiên hạ bản đồ” của Đỗ Bá Công Hạo (Chính Hòa năm thứ 7 - 1686), “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (thế kỷ XVIII) hay “An Nam đại quốc họa đồ” của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracel và nằm trong lãnh hải Việt Nam…

“Phủ biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn (viết năm 1776) có những ghi chép cụ thể về hình thức tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của hai đội Hoàng Sa (chủ yếu hoạt động của khu vực quần đảo Hoàng Sa) và Bắc Hải (chủ yếu hoạt động ở quần đảo Trường Sa đến cù lao Côn Lôn, các đảo thuộc Hà Tiên).

Sau khi biến Việt Nam thành thuộc địa, thực dân Pháp chia nước ta thành 3 kỳ, trong đó quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Kỳ (triều đình nhà Nguyễn quản lý) và quần đảo Trường Sa thuộc Nam kỳ (do Pháp quản lý). Nhưng thực ra khi đó, Pháp nhân danh Việt Nam có những hành động cụ thể thực thi chủ quyền ở quần đảo Paracel (tức Trường Sa và Hoàng Sa). Ở Trường Sa, Pháp cho đặt bia chủ quyền (hiện chúng ta vẫn còn ảnh tư liệu).

Ngày 8-3-1949, Pháp dựng lên chính quyền thân Pháp gọi là Quốc gia Việt Nam, giao cho cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu. Tháng 4-1949, Hoàng thân Bửu Lộc - Đổng lý Văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại, trong một cuộc họp báo đã công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam từ xa xưa trên quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, chiến tranh Đông Dương chấm dứt, công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam. Đường ranh giới tạm thời về quân sự được thiết lập tại vĩ tuyến 17- sông Bến Hải. Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử thì Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông tạm thời chịu sự quản lý hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 22-8-1956, Phái bộ quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đến thị sát cùng với việc kéo lá cờ đặt bia chủ quyền trên các đảo chính của quần đảo Trường Sa, trong đó có Song Tử Tây và Nam Yết. Trên các tấm bia này có khắc những dòng chữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Linh hồn của đảo

Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết được xây bằng gạch, vôi vữa nhìn chung có hình dáng và kích thước giống nhau. Hai bia đều được Hải quân (thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ) xây dựng năm 1956. Các chữ trên bia đều được khắc chìm vào trong với nội dung: “Quần đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này vào ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.

Ẩn hiện trong không gian rợp một màu xanh của những cây phong ba, bàng vuông cổ thụ, bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây là một trong những vị trí trọng yếu, được coi là linh hồn của đảo. Hiện bia nằm trong khuôn viên của Trạm khí tượng Thủy văn. Bia có 2 phần, gồm phần thân và phần chóp với tổng chiều cao là 3m36. Năm 2011, khu trùng tu bia, khuôn viên di tích đã được xây hệ thống hàng rào bằng gạch, vôi vữa cao 80cm bao quanh bia với diện tích 16m2.

Bia chủ quyền đảo Nam Yết được xây trong khuôn viên nhỏ cũng với diện tích xấp xỉ 16m2. Hàng rào được xây bằng gạch, vôi vữa. Thân bia chỉ còn chiều cao 1m32. Bia chủ quyền Nam Yết không có chóp bia như Song Tử Tây.

Năm 2011, sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cả hai bia chủ quyền do Việt Nam Cộng hòa xây dựng ở đảo Song Tử Tây và Nam Yết đều được trùng tu, tôn tạo. Với những giá trị quý báu về lịch sử, văn hóa… ngày 13-6-2014, Bộ VHTT&DL ra quyết định xếp hạng Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là Di tích lịch sử quốc gia.

Trong hồ sơ di tích đang được lưu giữ tại Cục Di sản Văn hóa - Bộ VHTT&DL cũng như Trung tâm bảo tồn di tích Khánh Hòa, hai di tích kể trên không chỉ có giá trị về mặt khoa học, còn đặc biệt giá trị về mặt văn hóa. Nằm ở Biển Đông, quần đảo Trường Sa có giá trị địa chất địa mạo cần được quan tâm nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực với các nguồn lợi thiên nhiên như cá, san hô, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt.

Cùng trong một quần thể với bia chủ quyền, sự hiện hữu của những ngôi chùa Việt trên đảo Song Tử Tây, Nam Yết... đã đem tới cho nơi đây một không gian văn hóa tâm linh thuần khiết. Theo Trung tâm bảo tồn di tích Khánh Hòa, từng hòn gạch có in dấu Quốc huy được chở ra nơi này xây lại những ngôi chùa đã mang theo cả tình cảm của đất liền gửi ra Trường Sa. Mỗi ngôi chùa, tự bản thân đã mang thông điệp hướng thiện và bình yên, nay còn đáp ứng đời sống tâm linh và thể hiện khát vọng cuộc sống hòa bình, hữu nghị của người dân sinh sống nơi đây.

Vượt cả nghìn hải lý, được đặt chân trên quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, được chạm tay vào những vết khắc mang màu thời gian trên tấm bia khắc ghi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đó là ước mơ của nhiều thế hệ người Việt hôm nay.

Chạm tay vào mỗi tấm bia đó, dường như chạm vào cả hàng ngàn năm lịch sử dân tộc. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho việc cha ông ta, bao thế hệ đi trước đã xác lập quyền và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển, khẳng định nền độc lập, tự do và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam là bất khả xâm phạm. Đứng ở nơi đây, bên bia chủ quyền ở Trường Sa, mỗi người Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về một Việt Nam trung dũng, kiên cường.

Theo PV/baomoi/02/01/2017 07:09 GMT+7

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...