Bệnh viện Bạch Mai: Hơn 90% bệnh nhân ung thư do rượu
Chết vì rượu cồn công nghiệp
Ngộ độc rượu hàng loạt như ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) là hiện tượng hiếm gặp nhưng cho thấy mức độ nguy hại của thực trạng sử dụng rượu bia hiện nay ở Việt Nam. Theo báo Dân trí, đã có 126 người dân ở 5 xã biên giới của huyện Phong Thổ (Lai Châu) có biểu hiện bị ngộ độc rượu sau khi uống rượu tại đám tang người cùng huyện. Báo Vietnamnet cho biết, tính đến nay tại Lai Châu đã có 9 người tử vong vì ngộ độc rượu, trong đó có 8 người uống rượu tại đám tang.
Thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm thấy nồng độ rượu trong máu của các bệnh nhân rất cao. Cả 9/9 người có biểu hiện bệnh nặng đều có nồng độ methanol trong máu cao, từ 14,8 – 326mg/dL, phần lớn nồng độ trên 60mg/dL.
Một số bệnh nhân ngộ độc rượu cồn công nghiệp đang được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Infonet
Sau sự việc đau lòng này, chiều ngày 24/2, Ban Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội thảo bàn về Tác hại của rượu với sức khỏe nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những ảnh hưởng khi lạm dụng bia rượu và thay đổi thói quen hiện có.
GS.TS Mai Trọng Khoa (PGĐ bệnh viện Bạch Mai) nói, ông không phủ nhận giá trị tích cực của những chất có cồn (alcohol) vì trong y tế cũng như cuộc sống vẫn đang sử dụng chất này nhưng dùng như thế nào để đảm bảo được sức khỏe.
“Bất cứ cái gì vượt ngưỡng cho phép đều có tác dụng không mong muốn. Điều đó có nghĩa cần sử dụng hợp lý, có kiểm soát. Sử dụng rượu bia sẽ an toàn nếu chúng ta kiểm soát được liều lượng uống vào , nguồn gốc, chất lượng, nguồn nguyên liệu và nơi sản xuất. Dù đó là loại rượu tốt nhất thì cũng sẽ không an toàn nếu chúng ta uống với liều lượng không đúng” – bác sĩ Khoa nói.
Việt Nam không phải quốc gia duy nhất sản xuất, tiêu thụ bia rượu nhưng thói quen, văn hóa uống rượu bia của người Việt đã gây ra nhiều hệ quả với bản thân người uống và cộng đồng, xã hội. Bác sĩ Khoa lấy ví dụ, ở châu Âu cũng có người tử vong vì ngộ độc rượu nhưng gần như không có những ca ngộ độc hàng loạt như ở Phong Thổ (Lai Châu) nước ta.
Theo ông có 3 nguyên nhân chính dẫn đến những ca bệnh nặng do rượu ở Việt Nam là: chất lượng rượu không đảm bảo (rượu nấu lậu, pha cồn công nghiệp); thói quen, cách uống rượu vô tội vạ; ý thức của mỗi người trong cộng đồng khi kinh doanh, mua bán, tiêu thụ rượu.
Rượu không rõ nguồn gốc dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa
Ở vụ ngộ độc hàng loạt ở Lai Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ - ông Dương Đình Đức cho biết, cơ quan chức năng đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở 8 xã biên giới, trong đó người dân tự nộp gần 1.000 lít.
Theo bác sĩ, ThS Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai), trước đây nếu dùng rượu tự nấu trong nhân dân, rất ít xảy ra trường hợp ngộ độc hàng loạt có mức sát thương lớn thế này. Đây là hồi chuông báo động đầu tiên cho thấy nạn rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp methanol r đã lên miền núi, nơi bà con dân tộc thường có thói quen sử dụng rượu tự nấu. “Nếu không gửi được thông điệp tới đồng bào miền núi và cơ quan chức năng không mạnh tay hơn thì sẽ có nhiều vụ Lai Châu nữa” – bác sĩ Nguyên nói.
Nghiện rượu: Gần chết vẫn không bỏ được
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới. Ảnh minh họa
GS Mai Trọng Khoa cho biết, số bệnh nhân ung thư và mắc các bệnh có nguyên nhân từ rượu ngày càng tăng cao. Ngày nào cũng có bệnh nhân ung thư do rượu nhập viện. Có 95 – 97% người bị ung thư đều uống, sử dụng bia rượu trong thời gian dài. Những bệnh ung thư thường gặp nhất do rượu xếp theo thứ tự là: ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày, ung thư gan do xơ gan. Bệnh càng nặng và tiến triển nhanh nếu người bệnh vừa nghiện rượu vừa nghiện thuốc lá.
Cũng theo giáo sư, bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận các nữ bệnh nhân ung thư do rượu, nhưng nhiều nhất vẫn là nam giới, đặc biệt là những người hay uống rượu mạnh hoặc uống rượu lâu năm. Số ca ung thư thực quản và vòm họng ở những người này rất nhiều.
GS Mai Trọng Khoa kể, hàng ngày ông tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân bị ung thư sắp chết, vẫn dùng thuốc, điều trị bệnh nhưng nghiện rượu tới mức không bỏ được, thường lén lút, giấu người nhà uống rượu. Ông chia sẻ: “Không biết bằng cách nào họ vẫn có chai rượu nhỏ bên cạnh để uống dù bệnh đã giai đoạn cuối. Bác sĩ khám, ngửi thấy hơi thở nồng mùi rượu hỏi bác có uống rượu không, bệnh nhân vẫn lắc đầu chối. Có nghĩa, có một tỷ lệ không nhỏ trong cộng đồng bị phụ thuộc vào rượu, nghiện rượu”.
Giáo sư Khoa thẳng thắn, với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, các bác sĩ chỉ có thể chữa được triệu chứng, gần như không thể chữa khỏi bệnh. Quan trọng và cốt yếu nhất vẫn là tuyên truyền để mọi người hiểu và thay đổi cách thức sử dụng rượu bia.
Bác sĩ chỉ rõ, ở phương Tây, uống rượu là sự thưởng thức có giới hạn. “Nhưng văn hóa của chúng ta là uống càng nhiều càng thể hiện tinh thần đồng đội, sự liên kết, gần gũi, ấm áp cho đên khi không ai nhận ra ai được nữa” – ông hài hước nói.
Theo số liệu công bố mới đây, người Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và 29 trên thế giới về số lượng tiêu thụ, sử dụng rượu bia. Kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế đưa ra năm 2016, tính đến tháng 1/2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít (năm 2010 là 2,4 tỉ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống tự nấu trong dân. Lượng người sử dụng rượu bia và bệnh tật, tai nạn liên quan đến rượu bia... ở Việt Nam đều tăng chóng mặt.
Theo Minh Phương/baomoi/26/02/2017 14:03 GMT+7
Bình luận