Cước vận tải vẫn giảm “nhỏ giọt”
Giá cước vận tải ta-xi trong những ngày qua giảm chưa tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu. Ảnh: KHÁNH AN
Giảm giá kiểu “đối phó”
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã giảm bốn lần. Lần giảm gần nhất (ngày 18-2), đưa giá xăng RON 92 xuống mức 13.750 đồng/lít, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2009. Người tiêu dùng vui mừng, hy vọng sự cải thiện đáng kể về giá những mặt hàng có liên quan mật thiết tới xăng dầu, nhất là cước vận tải. Tuy nhiên, trong khi người sử dụng phương tiện cá nhân hồ hởi mỗi khi mua xăng, thì trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, hành khách hầu như chưa cảm nhận được lợi ích của các đợt giảm giá xăng dầu. Đa số DN vận tải trên địa bàn Hà Nội vẫn chần chừ, né tránh việc kê khai giảm giá cước. Những ngày qua, hai sở Tài chính và Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội liên tục yêu cầu các DN khẩn trương thực hiện kê khai cước vận tải theo quy định. Ngày 18-2, Sở GTVT Hà Nội có văn bản yêu cầu các DN vận tải bằng ô- tô tuyến cố định, ta-xi và công-ten-nơ trên địa bàn nghiêm túc rà soát chi phí đầu vào, nhất là phí nhiên liệu, để kê khai giảm giá cước phù hợp. Trước sự thúc giục của các cơ quan quản lý nhà nước, DN rục rịch kê khai giảm giá. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 24-2, chỉ có 17/60 DN vận tải khách tuyến cố định thực hiện giảm cước với mức giảm từ 4 đến 10% và 35/80 DN ta-xi kê khai giá cước, mức giảm phổ biến ở mức 500 đồng/km.
Theo thống kê của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), kể từ khi giá xăng giảm lần liền kề trước ngày 18-2, tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, các đơn vị kinh doanh vận tải đã kê khai điều chỉnh giảm giá cước 978 tuyến cố định (giảm 2 - 33%), 67 tuyến xe buýt (giảm 3 - 16%); hơn 363 DN ta-xi giảm giá từ 1 đến 20%. Như vậy, với hơn 4.000 DN vận tải cố định, thì chưa đến 1.000 DN chịu giảm giá cước. Ngoài ra, chỉ có gần 400 hãng ta-xi trong số hàng nghìn hãng giảm giá cước. Theo tính toán, trong cơ cấu giá thành vận tải, chi phí nhiên liệu ước chiếm khoảng 25-35% đối với xe chạy xăng (chủ yếu là ta-xi), 35 - 45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải khách và hàng hóa). Do đó, với loại hình ta-xi, khi xăng giảm giá 20%, với điều kiện các chi phí cấu thành khác không đổi, giá cước phải giảm 5 - 7% mới phù hợp. So với thời điểm đầu năm 2015, khi giá xăng giảm về mức 17.570 đồng/lít, giá cước vận tải ta-xi được đưa về phổ biến ở mức 9.000 đồng/km. Nhưng hiện nay, khi giá xăng chỉ còn 13.752 đồng/lít, việc DN dự kiến vẫn giữ cước ta-xi ở mức khoảng 10 nghìn đồng/km là không hợp lý. Rõ ràng, các DN này tuy chấp nhận giảm giá, nhưng chỉ làm “đối phó”, với mức giảm không đáng kể, chưa phù hợp, tiếp tục gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Để quản lý hiệu quả hơn
Thực tế, câu chuyện giá xăng, dầu giảm sâu, một số DN vận tải đã kê khai giảm giá nhưng chưa thỏa đáng, có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, khi thủ tục kê khai giá còn phức tạp, việc điều chỉnh đồng hồ ta-xi mất nhiều thời gian và chi phí,… Chủ tịch Hiệp hội ta-xi Hà Nội Đỗ Quốc Bình kiến nghị: Thủ tục điều chỉnh giá cước như hiện nay đang gây nhiều tốn kém về thời gian và chi phí cho DN. Theo tính toán, trung bình mất khoảng 200 nghìn đồng/xe ta-xi cho việc điều chỉnh giá cước. Vì vậy, nên để DN tự kê khai tăng, giảm giá cước nếu giá xăng tăng, giảm 5-7% theo biên độ mà không phải xin phép, nghĩa là điều chỉnh 300 - 500 đồng tùy DN, để không tạo áp lực cho DN trong mỗi lần điều chỉnh giá. Nhiều chuyên gia nhận định, công tác quản lý giá cước vận tải hiệu quả phải dựa trên cơ sở tạo lập được một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; giá cước vận tải phải được hình thành trên cơ sở cung, cầu của thị trường. Từ đó, các DN mới chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ và duy trì giá cước hợp lý để bảo đảm tính cạnh tranh, nếu không muốn bị thị trường “đào thải” và khách hàng “quay lưng”. Tuy nhiên, trước mắt, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi xây dựng và hình thành một thị trường vận tải cạnh tranh vẫn cần có chế tài đủ mạnh, để thúc ép DN giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ: Sở GTVT đã nhiều lần phối hợp Sở Tài chính tổ chức kiểm tra việc thực hiện kê khai giá của các DN. Mặc dù vậy, việc kiểm tra cũng không đạt hiệu quả cao, bởi không có chế tài xử lý, khi quy định về xử phạt vi phạm hành chính lại không có nội dung xử phạt đối với hành vi không kê khai lại giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Vì vậy, điều này phải điều chỉnh, bổ sung để cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế quản lý hiệu quả hơn. Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho biết: Hiện tại, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, DN, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Trong đó, có các nội dung chủ yếu như: Bổ sung quy định tỷ lệ giảm của chi phí xăng dầu là bao nhiêu thì đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện kê khai lại để DN chủ động rà soát tính toán, báo cáo và thực hiện kê khai lại giá cước; đơn giản hóa thủ tục kê khai giá cước, áp dụng kê khai điện tử…
Ngoài ra, để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các DN vận tải, Bộ GTVT đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược dài hạn, như khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ để giảm giá thành vận tải, điển hình là việc triển khai sàn giao dịch vận tải đường bộ, ứng dụng Grab... Việc này giúp các đơn vị vận tải điều chỉnh giá phù hợp, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu giảm như hiện nay. Bộ GTVT cũng khẩn trương tiến hành tái cơ cấu ngành vận tải, phát triển hài hòa các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành;… Khi đó, các DN vận tải đường bộ sẽ không chỉ phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá cước để cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với nhiều loại hình khác, như vận tải đường sắt, hàng không, đường thủy.
Theo HẠNH NGUYÊN, VIỆT HẢI/nhandan/Thứ Năm, 25/02/2016, 03:06:03
Bình luận