Thứ tư, 15/01/2025, 12:01 [GMT+7]

Giãn dân - Vấn đề bức thiết ở bản Nậm Cầy

Thứ tư, 14/06/2017 - 10:10'
(BLC) - Bản Nậm Cầy (xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ) có mật độ dân cư và nhà ở dày đặc, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây. Do vậy, việc giãn dân đã và đang là nhu cầu bức thiết, song công tác này lại gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bản Nậm Cầy có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống từ nhiều năm nay. Cho đến thời điểm này, bản có tới 105 hộ với 482 nhân khẩu. Diện tích đất ở chỉ khoảng 2ha nhưng có tới hàng trăm hộ dân sinh sống đã phát sinh nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường, nguy cơ xảy ra dịch bệnh, thiếu đất chăn nuôi, trồng trọt…

Không có quỹ đất xây trường, học sinh ở bản phải học phòng học tạm.

Nếu lần đầu đặt chân đến bản có lẽ nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi những ngôi nhà được xây dựng san sát nhau, rất bất tiện. Đó chưa kể là chuyện xả rác bừa bãi, chăn nuôi dưới gầm sàn… khá phổ biến. Đặc biệt, số hộ có nhà tiêu đạt chuẩn, hợp vệ sinh chưa nhiều cũng là một ẩn họa về ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Cũng vì sống trong hoàn cảnh như vậy nên một số hộ trong bản thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn là khi được chính quyền địa phương vận động chuyển đi nơi khác lại có rất ít hộ đồng thuận. Dẫn chứng là năm 2015, trong bản có 6 hộ ở sát phía sườn núi có nguy cơ sạt lở cao chuyển đến nơi ở mới và nhận 20 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước. Hiện còn một số hộ thuộc diện có nguy cơ sạt lở nhưng lại không muốn chuyển đi.

Ông Lường Văn Thường - Trưởng bản Nậm Cầy cho biết: “Hiện nay, vì quá nhiều hộ dân nên bản thiếu nước sinh hoạt hàng ngày. Cả bản phải dùng chung một giếng nước ở cuối bản cũng không biết có đảm bảo vệ sinh không nữa. Các hộ dân có nguyện vọng nếu chuyển đi phải có mặt bằng với các điều kiện về điện, đường, trường, trạm đầy đủ và mức nhận hỗ trợ lớn hơn của nhà nước”. Khi được hỏi tại sao gia đình ông không di chuyển trước để làm gương cho các hộ khác thì ông Thường lí giải là gia đình vừa đầu tư hơn chục triệu đồng xây được nhà vệ sinh mới, hơn nữa đến nơi mới mà không quen sẽ khó ở lắm.

Được biết, nhiều hộ dân trong bản lại có mong muốn nếu có chuyển thì chỉ đồng ý tách hộ chứ không chuyển cả gia đình (bố mẹ vẫn ở đất cũ, còn cho con cái sau khi xây dựng gia đình tác ra ở nơi khác). Đây cũng là một trong những khó khăn rất lớn khi vận động giãn dân ở bản Nậm Cầy.

Ông Lò Văn Dán - Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa cho biết: “Xã đã cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng Đề án Giãn dân từ nhiều năm trước, quỹ đất ở cũng đã bố trí xen kẽ với các bản khác. Hiện nay, quỹ đất ở bản không có để xây dựng nhà văn hóa, điểm trường nên chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động các hộ tự nguyện di chuyển, lấy đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội cho bản. Hiện nay, huyện cũng không còn nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ di chuyển nữa”.

Có thể thấy, việc giãn dân ở bản Nậm Cầy đã thực sự rất cần thiết và cần sự quan tâm, hỗ trợ của huyện. Nếu giãn dân thành công sẽ góp phần tích cực để xã Chăn Nưa giữ vững, củng cố các tiêu chí nông thôn mới bền vững. 

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...