Hàng trăm viên chức ngành y tế Lai Châu lo mất việc
“Mắc kẹt” giữa hai sở
Lai Châu là tỉnh mới chia tách, địa bàn miền núi rộng và khó khăn, các đơn vị sự nghiệp rất thiếu viên chức trình độ chuyên môn, trong đó có ngành y tế. Trước nhu cầu thực tế, từ năm 2011 đến nay, Sở Nội vụ và Sở Y tế Lai Châu đã xét tuyển 260 viên chức có trình độ trung cấp trở lên vào hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, bổ sung cho các đơn vị trong ngành y tế. Tuy nhiên, sau Kết luận thanh tra công tác nội vụ tại Sở Y tế của Sở Nội vụ Lai Châu số 1919/KL - SNV ngày 15/12/2016, thì 260 viên chức trên bị cắt hợp đồng và thi tuyển lại. Số lao động này rất bức xúc, vì cho rằng họ đã có quyết định trong chỉ tiêu biên chế, hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, nhưng bị cắt hợp đồng để thi lại như người mới là bất hợp lý.
Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng đội ngũ y bác sĩ Lai Châu đã cố gắng để thực hiện công tác khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc.
Chị Bùi Thị Phương, 32 tuổi, quê Vĩnh Phúc đã có quyết định trong chỉ tiêu biên chế từ năm 2011 của Sở Nội vụ Lai Châu và được phân công công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nói về khó khăn khi phải thi lại, chị Phương nức nở cho hay: “Khi được xét tuyển vào, chúng tôi được thông báo sẽ nhận quyết định hợp đồng trong biên chế, sau một năm tập sự được xét vào biên chế. Từ năm 2011 đến nay, tôi phải ký hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng từng năm một, vẫn chưa được xét vào biên chế. Chúng tôi bị cắt hợp đồng. Để thi lại là rất khó khăn, nếu đỗ thì phải làm lại từ đầu, không đỗ sẽ thất nghiệp”.
Chị Phan Thị Nhung, 27 tuổi, quê Nam Định, tốt nghiệp chuyên ngành cử nhân Y học cổ truyền (Đại học Y dược Thái Bình) được Sở Y tế Lai Châu xét tuyển và ký quyết định hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế từ năm 2014. Chị Nhung được cử về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhận được thông tin sẽ bị cắt hợp đồng và thi lại, chị Nhung đứng ngồi không yên, lo lắng mất việc. Chị Nhung cho biết: “Lên Lai Châu công tác, xây dựng gia đình và đã ổn định cuộc sống. Bị cắt hợp đồng lao động sẽ không biết làm gì để sống”. Theo chị Nhung, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức thi tuyển phải theo hình thức vị trí việc làm, sẽ hợp lý cho người đã công tác lâu năm.
“Chỉ tiêu biên chế của ngành còn, nhưng để viên chức hợp đồng kéo dài nhiều năm, không tổ chức thi tuyển biên chế là do Sở Nội vụ”. Theo ông Nguyễn Cảnh Phương, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu
Lý giải về việc cắt hợp đồng của viên chức trong chỉ tiêu biên chế ngành y tế và buộc số lao động này phải thi lại, ông Nguyễn Minh Tăng, Giám đốc Sở Nội vụ Lai Châu cho biết: “Số lao động này chưa qua tuyển dụng theo Nghị định số 29/2012/NĐ - CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Sở Y tế có quyết định công nhận hết thời gian tập sự đối với viên chức cho những lao động hợp đồng là không đúng quy định”. Theo ông Tăng, UBND tỉnh Lai Châu đang xem xét, thống nhất hình thức thi tuyển cho số lao động hợp đồng này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Lai Châu cho rằng, việc ký hợp đồng với các lao động là đúng quy định, vì căn cứ vào nhu cầu và chỉ tiêu biên chế được giao hàng năm của ngành. Đặc biệt, Sở Nội vụ Lai Châu cũng đã có Văn bản số 1330/SNV - TCCC ngày 19/10/2011, nhất trí và hướng dẫn các đơn vị của tỉnh hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế. Từ 2012 đến nay, Sở Y tế đã hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế cho 234 viên chức và điều động làm việc tại các đơn vị. Ngành đã ưu tiên tiếp nhận con em đồng bào dân tộc thiểu số vào viên chức. Mặc dù, nhiều lần Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ tổ chức tuyển dụng cho số viên chức hợp đồng này, nhưng không được thực hiện.
Cần chọn đúng người có năng lực
Theo Giám đốc Sở Y tế Lai Châu Nguyễn Văn Đối, Sở Nội vụ cần tham mưu với UBND tỉnh tổ chức thi tuyển riêng và có chính sách ưu tiên, bảo đảm quyền lợi cho 260 viên chức hợp đồng này. Hiện nay, các đơn vị của ngành y tế Lai Châu vẫn thiếu nhiều cán bộ chuyên môn, nhưng chưa được tuyển dụng. Tổng số 260 viên chức đã được Sở Nội vụ và Sở Y tế hợp đồng từ 2011 đến nay, hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tập huấn và đào tạo chuyên môn thường xuyên, đáp ứng tốt vị trí việc làm.
Các viên chức hợp đồng đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu lo lắng mất việc.
Ông Nguyễn Văn Đối cho rằng, số lao động đã được hợp đồng làm việc trong ngành y tế lâu năm, nếu không thi đỗ, dẫn tới bị nghỉ việc thì rất lãng phí, vì họ được cọ sát thực tế và tập huấn thường xuyên, có kinh nghiệm chuyên môn. Tuyển người mới sẽ mất công sức và kinh phí đào tạo, chuyên môn chưa hẳn bằng người cũ. UBND tỉnh Lai Châu cần cân nhắc thiệt hơn về vấn đề này, khi đưa ra hình thức thi tuyển để đảm bảo kết quả thi phù hợp với khả năng làm việc ở vị trí công tác cụ thể.
Theo Quang Duy-Việt Hoàng (Tin Tức/TTXVN)/18/03/2017 08:16 GMT+7
Bình luận