Thứ ba, 14/01/2025, 17:23 [GMT+7]

Khó khăn trong khắc phục nạn tảo hôn

Thứ sáu, 18/11/2016 - 09:11'
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), tình trạng tảo hôn đã xảy ra ở cả 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, làm giảm chất lượng dân số tương lai, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khỏe của các em gái và trẻ sơ sinh.

Cán bộ dân số huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) tuyên truyền chống tảo hôn và các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.      Ảnh: Dương Ngọc

Các tỉnh vùng núi phía bắc, miền trung Tây Nguyên và miền tây Nam Bộ tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao. Ở khu vực Tây Bắc, trong độ tuổi 10 đến 19 tuổi, cứ 10 em trai thì có một em có vợ và cứ năm em gái thì có một em có chồng. Nhiều xã, tỷ lệ tảo hôn lên tới hơn một nửa. Có những em nhỏ, mới hơn 10 tuổi, chưa đủ tuổi làm chứng minh thư nhân dân nhưng đã phải làm bố, làm mẹ. Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc Nguyễn Thị Tư cho biết: Mặc dù chất lượng dân số của nước ta đã được cải thiện đáng kể, song hiện tại tỷ lệ chết mẹ, chết trẻ sơ sinh, trẻ mới sinh nhẹ cân; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới một tuổi và tỷ lệ trẻ thấp còi vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng. Phụ nữ tảo hôn, sinh con khi còn ở tuổi vị thành niên, chưa trưởng thành đầy đủ cả về mặt sinh học lẫn tâm lý xã hội, chưa được chuẩn bị kiến thức về chăm sóc thai sản, sinh đẻ và chăm sóc con nhỏ. Điều này đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khoẻ của cả mẹ và con.

Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số là 26,6%, cao nhất là các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn như dân tộc Mông, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru - Vân Kiều. Có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt có sáu dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50% đến 60%. Khu vực miền núi phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao, một số địa phương có tỷ lệ tảo hôn hơn 50%.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tư, trong cuộc khảo sát tại tỉnh Sơn La, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 500 cặp tảo hôn. Một số xã như Lóng Luông, huyện Mộc Châu tình trạng tảo hôn lên đến 52%; xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ tỷ lệ tảo hôn là 68%... tất cả những con số này đều tăng lên so với các năm trước. Thí dụ như trường hợp gia đình Vàng Thị Sò và Tráng A Lau, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ mới 20 tuổi nhưng đã có ba mặt con, cuộc sống khốn khó từng ngày... “Trước kia nhỏ nên không biết, thấy mấy đứa bạn nó lấy vợ thì mình cũng lấy thôi. Giờ có con thấy khổ quá, nhưng phải nuôi nó thôi” - Tráng A Lau gượng cười.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số, làm tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người đang thấp dần. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn tảo hôn do trình độ dân trí còn hạn hẹp, thiếu thông tin tuyên truyền, hạn chế về nhận thức và hiểu biết, thiếu sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền địa phương. Để khắc phục tệ nạn tảo hôn, các cấp, các ngành có liên quan cần lồng ghép hoạt động giảm tảo hôn vào các chương trình, chính sách đang triển khai. Cần nghiên cứu tổng thể trên quy mô toàn quốc để xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn toàn diện. Nâng cao dân trí và hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức; vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu trong hôn nhân. Ngoài quy định về độ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình, cần đưa điều kiện, quy định tuổi kết hôn vào quy ước, thiết chế quy định làng, bản, thôn, xã.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tư thì cho rằng, để bà con các dân tộc biết hậu quả của tảo hôn cần truyền thông bằng chính ngôn ngữ của họ. Rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không những “mù chữ” mà còn “mù” cả tiếng. Riêng ở Hà Giang có 28 nghìn phụ nữ (trong đó có trẻ em gái) bị “mù” chữ và trong đó có 18 nghìn phụ nữ “mù” cả tiếng phổ thông. Nếu truyền thông bằng tiếng phổ thông thì sẽ không hiệu quả. Phải truyền thông bằng tiếng dân tộc để đồng bào hiểu được tảo hôn là vi phạm pháp luật. Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, A-xtrit Ban cho biết, Liên hợp quốc sẽ cộng tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm việc thực hiện quyền của trẻ em gái, giúp các em phát triển được hết tiềm năng của mình. Để giải quyết tình trạng tảo hôn, ngoài mục tiêu ưu tiên thực hiện bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam nữ cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn ở tất cả các cấp, các ngành có liên quan cùng hành động để chấm dứt tình trạng tảo hôn.

Theo PV/nhandan/Chủ Nhật, 13/11/2016, 02:34:22

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...