Thứ tư, 15/01/2025, 11:35 [GMT+7]

Không chủ quan với diễn biến thời tiết

Thứ hai, 03/07/2017 - 20:43'
(BLC) - Theo cảnh báo của Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, trước diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, các cấp, chính quyền và người dân không được chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống thiên tai.

Sáng ngày 27/6 vừa qua, trên địa bàn thành phố Lai Châu xảy ra trận mưa lớn kéo dài gây tình trạng sạt lở đất đá; các công trình giao thông ngập cục bộ; công trình thủy lợi bị vùi lấp; nhà cửa và tài sản của Nhân dân ngập nước; hoa màu, ao cá bị tràn và vỡ bờ tại các xã, phường. Dù không thiệt hại về người nhưng tại các điểm ngập cục bộ, nước tràn vào 263 nhà của các hộ dân. Đặc biệt tại tổ 1 (phường Tân Phong) giáp tổ 1 (phường Đoàn Kết), mưa lớn, nước ngập sâu, có nơi cao gần 1m, giao thông ách tắc tạm thời. Cũng tại khu vực này, có 5 nhà dân thuộc tổ 1 (phường Tân Phong) đứng trước nguy cơ bị vùi lấp do sạt lở đất nên UBND phường đã yêu cầu di dời khẩn cấp người và tài sản, tránh thiệt hại. Tại xã Nậm Loỏng, sự cố cáttơ làm sụt lún một số điểm giao thông, 9 hộ dân sống xung quanh được các lực lượng: công an, dân quân, cán bộ xã giúp đỡ di chuyển tạm thời người và tài sản đến nơi an toàn. Về lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị nước ngập, bùn đất vùi lấp. Ước tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ đến thời điểm hiện tại trên 1,5 tỷ đồng.

Hiện tượng cáttơ xảy ra tại xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) làm sạt lở một số điểm giao thông trên địa bàn.

Đối với các điểm ngập lụt khu vực ngã ba Nông trường và đường 58m (khu Toà nhà Viettel), mỗi năm bước vào mùa mưa lũ, mưa lớn tình trạng ngập nước trên các đường thường niên xảy ra. Năm nay hệ thống rãnh thoát nước đã từng bước được khơi thông nên trận mưa lớn ngày 27/6 vừa qua, tình trạng ngập chỉ diễn ra tạm thời trong khoảng 30 phút và nước rút nhanh ngay sau đó. Tuy nhiên tình trạng nước ngập trên các tuyến đường và rất nhiều hộ dân tại địa bàn thành phố là một tình trạng đáng báo động, cần có biện pháp khắc phục tích cực của các cấp chính quyền, tránh gây thiệt hại cho người và tài sản trong những năm tiếp theo.

Theo ông Lê Bá Anh - Phó Chủ tịch UBND thành phố, chiều cùng ngày, lãnh đạo  thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND xã, phường khảo sát, xây dựng phương án khắc phục các điểm thường xuyên ngập úng, nước cuốn. Chỉ đạo các phòng chuyên môn huy động lực lượng, vận động Nhân dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại về tài sản, kiến trúc, hoa màu, ổn định cuộc sống. Song song với đó là huy động máy móc, thiết bị xử lý khơi thông các điểm ngập lụt cục bộ. Thành phố cũng đề nghị tỉnh xem xét bổ sung kinh phí để xử lý hót sụt sạt, gia cố mái taluy khắc phục điểm sạt lở tại tổ 1 (phường Tân Phong).

Ngoài thành phố Lai Châu - địa bàn ảnh hưởng nhiều nhất, theo ghi nhận của phóng viên, các địa phương khác như huyện: Tam Đường, Phong Thổ, mưa lớn cũng đã làm 218 nhà bị đất đá sạt lở, bùn đất tràn vào hoặc ngập nước cục bộ và 9 nhà có nguy cơ sạt lở cao phải di chuyển khẩn cấp. Gần 30ha diện tích cây trồng các loại ngập úng, dập nát, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của người dân.

Trước tình hình thời tiết diễn biến khó lường như hiện nay, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cảnh báo, trời đang tiếp tục mưa vừa đến mưa to; lũ ống, lũ quét có thể xảy ra ở các sông suối nhỏ và sạt lở đất tại những nơi sườn dốc, ngập úng ở các vùng trũng tại địa bàn các huyện Than Uyên, Sìn Hồ, có thể lan sang các vùng lân cận. Do đó, theo ông Vũ Văn Luật - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các huyện, thành phố, đơn vị liên quan không được chủ quan, lơ là với tình hình thời tiết như hiện nay. Cần chủ động, sẵn sàng ứng phó khắc phục các tình huống xấu xảy ra do thiên tai trên địa bàn. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ động ứng phó với mưa lũ; tuyên truyền, cảnh báo Nhân dân các biện pháp phòng chống thiên tai. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn huyện yêu cầu doanh nghiệp có phương án khắc phục các tuyến giao thông do huyện quản lý. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương huy động Nhân dân khắc phục tuyến giao thông nội bản; hướng dẫn Nhân dân khơi thông những diện tích ngập úng cục bộ; phân công cán bộ theo dõi xuống địa bàn các xã xảy ra thiên tai kiểm tra cụ thể, thống kê tổng hợp tình hình thiệt hại báo cáo kịp thời tuyên truyền cho các hộ dân vùng bị ảnh hưởng sạt lở di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đối với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các lực lượng, phương tiện sẵn có và huy động Nhân dân các đơn vị liên quan trên địa bàn khẩn trương hót dọn khối lượng đất đá sụt sạt, đặc biệt trên quốc lộ 4D vì đây là tuyến đường huyết mạch nối tỉnh ta với các tỉnh lân cận.

Hy vọng với sự quan tâm vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân sẽ nâng cao hơn nữa tinh thần chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin diễn biến của thời tiết và nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây nên, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...