Làng chài miền Trung tái hiện dưới lòng đất
|
Ý tưởng xây dựng một căn phòng nhỏ trưng bày vật dụng làng chài miền Trung được nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng) thực hiện từ 10 năm qua, tại căn nhà của mình ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Lối dẫn xuống hầm rộng hơn 1m. Căn phòng rộng chừng 40m2, cao 2,2m. Nền trải cát trắng lấy từ biển, tường đắp bằng những nắm xi măng, cả hai giúp cách âm khi nghe nhạc. Ngư cụ được sưu tầm ở nhiều vùng biển Đà Nẵng, tạo hình một cách nghệ thuật. Theo nghệ sĩ Mỹ Dũng, khi xây căn hầm này, ông phải đào đi lớp đất sâu chừng 1,5m. Chiếc thuyền thúng choán diện tích lớn trong hầm, ông mua tre về và thuê thợ đan tại chỗ. Ngoài việc trưng bày, chiếc thuyền còn có nhiều công dụng khác như bàn uống cà phê, chỗ ngủ.. "Xây dựng căn hầm này, tôi muốn giữ lại những nét văn hóa của làng biển, nơi gắn với tuổi thơ và nghề nghiệp của ông cha. Đây cũng là phòng nghe nhạc, giúp tôi có thêm cảm hứng sáng tác", nghệ sĩ Mỹ Dũng nói. Ông sinh ra, lớn lên ở vùng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà). Vật dụng giá trị nhất được ông trưng bày là những chiếc bầu đựng mắm cái của ngư dân. Thời xưa, ngư dân miền biển dùng bầu đưa cá, mắm lên miền núi, rồi đựng thóc, khoai sắn đổi được để về xuôi. Bầu cũng được ngư dân ghi những cái tên rất đời thường như Mực nhằm phân biệt và khỏi bị lấy cắp. Không ít khách thăm tỏ ra tò mò trước căn hầm này. Ở những góc căn hầm, nghệ sĩ Dũng dành trưng bày những tác phầm ảnh nghệ thuật của mình. Ông cũng dành riêng một khu trưng bày thu nhỏ của triển lãm Nhìn ông từng triển lãm tại Hà Nội vào tháng 3/2009, với 10 bức ảnh nói về phạm trù về đời sống con người như sinh – tử, ơn – nghĩa, Phật – pháp. Vào mỗi buổi tối, căn hầm làng chài của nghệ sĩ Mỹ Dũng đón tiếp những người đam mê nhiếp ảnh. Ông dự định sẽ tiếp tục sưu tầm những ngư cụ gắn với đời sống người dân vùng biển để làm phong phú thêm cho căn phòng đặc biệt này. |
Theo Nguyễn Đông Hanoimoi
Bình luận