Mất vệ sinh môi trường ở bản Phăng Xô Lin 2
Bản Phăng Xô Lin 2 nằm ngay trên trục đường chính từ thành phố Lai Châu đến huyện Sìn Hồ. Đi qua đoạn đường này, ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh gia súc, gia cầm thả rông và phóng uế ra đường. Các hộ dân sinh sống bên đường chăn nuôi nhưng không xây dựng chuồng trại, hố tiêu hợp vệ sinh, có nhà dựng hố tiêu ngay bên đường rất mất vệ sinh… Thậm chí con đường nội bản đổ bêtông được đầu tư xây dựng hàng trăm triệu đồng (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới) cũng bị bao phủ bởi nước, chất thải gia súc, gia cầm và rác sinh hoạt.
Người dân bản Phăng Xô Lin 2 sinh hoạt tại giếng chung của bản đổ nước thải ra đường gây mất vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, hơn 10 hộ gia đình trong dùng chung giếng nước gần đầu bản nên nước từ việc tắm, giặt đều đổ trực tiếp ra đường và chảy thành dòng trục đường chính. Điều đáng nói là nguồn nước ở đây cũng đang có nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng khi người dân chăn nuôi lợn, trâu và làm hố tiêu ngay gần giếng nước...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lường Thị Thanh Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Phăng Xô Lin cho biết: Thực trạng mất vệ sinh môi trường ở khu vực bản Phăng Xô Lin 2 đã diễn ra từ rất lâu, nguyên nhân chủ yếu do thói quen sinh hoạt và ý thức của người dân tiện đâu vứt đấy, chăn nuôi thả rông và xả nước thải tràn ra đường đi. Mặc dù chính quyền xã đã nhiều lần họp bản để nhắc nhở, vận động người dân bảo vệ môi trường xung quanh, nhưng tình trạng đó vẫn không cải thiện.
Chị Tẩn Mý Phấy (người dân bản Phăng Xô Lin 2) chia sẻ: Được nhà nước đầu tư đường vào bản sạch đẹp; chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con chung tay bảo vệ môi trường sống, tuy nhiên một phần do bà con còn khó khăn về kinh tế nên chưa thể đầu tư xây dựng đường nước, chuồng trại hợp vệ sinh. Khắc phục điều này không thể do một cá nhân mà phải cả bản cùng nhau thực hiện…
Có thể nói, việc xả chất thải bừa bãi, gây mất vệ sinh môi trường ở bản Phăng Xô Lin 2 đang trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân nơi đây và sâu xa hơn nữa là thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã, huyện. Do đó, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương có những biện pháp quyết liệt hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường chứ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động. Từ đó, trả lại một môi trường sống trong lành đúng nghĩa.
Vương Trang
Bình luận