Thứ tư, 15/01/2025, 05:44 [GMT+7]

Mong ước của thầy, trò điểm trường tiểu học bản Hua Ná

Thứ sáu, 03/03/2017 - 09:26'
(BLC) - Hiện nay, bên cạnh những trường học được đầu tư cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, khang trang vẫn còn nhiều điểm trường mà lớp học tạm bợ, thiếu đồ dùng dạy học… Đây cũng là thực tế tại điểm trường tiểu học bản Hua Ná (Trường Tiểu học xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ).

Giờ học của cô - trò điểm trường tiểu học Hua Ná.

Từ điểm trường chính, chúng tôi phải đi gần 10km mới đến điểm trường tiểu học bản Hua Ná. Ngoài 3 phòng học bán kiên cố được Nhà nước đầu tư từ 5 năm trước nay đã xuống cấp, điểm trường còn 2 phòng học tạm được thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ vật chất, ngày công dựng lên cũng không biết có thể chống đỡ với thời tiết khắc nghiệt nơi đây được bao lâu. Vậy nhưng, vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, những tiết học của thầy và trò vẫn ngày ngày diễn ra sôi nổi. Trò chuyện với cô giáo Hoàng Lan Anh - Cụm trưởng điểm trường tiểu học bản Hua Ná, chúng tôi được biết, điểm trường tiểu học bản Hua Ná có 5 lớp với 65 học sinh. Phòng học, sân chơi, bãi tập có diện tích nhỏ; bàn ghế, bảng không đúng tiêu chuẩn quy định; công trình phụ xuống cấp, nước sinh hoạt thiếu... ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học của điểm trường. Đặc biệt, Hua Ná thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió lốc, mưa rét nên những hôm mưa, gió to, thầy và trò nhà trường phải dồn vào 3 phòng học bán kiên cố. Và, hôm sau lại nhờ dân bản phụ giúp sửa chữa lớp bị hư hỏng nặng để các em có thể vào học. Khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học, các thầy, cô tự làm, sưu tầm thậm chí mua thêm.

Một khó khăn nữa là nhiều gia đình học sinh kinh tế khó khăn, không đủ khả năng trang bị những điều kiện cần thiết cho con đến lớp; một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em, khiến nhà trường gặp nhiều trở ngại trong công tác duy trì sỹ số. “Nhiều em đến lớp không có cặp sách chỉ dùng túi nilon đựng dụng cụ học tập. Trời trở lạnh, nhiều em mong manh chiếc áo mỏng, đi chân trần… nhìn thương lắm! Không giúp được gì nhiều trong cuộc sống nên chúng tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa trong công việc để các em có kiến thức, thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống” - cô giáo Hoàng Lan Anh tâm sự. Chính nhờ tinh thần vượt khó, nỗ lực bám trường, bám lớp ấy, tỷ lệ chuyên cần của điểm trường luôn đạt 100%, 100% học sinh được đánh giá đạt về học lực trở lên.

Tận mắt chứng kiến công việc cao quý - “trồng người” của thầy, cô giáo điểm trường tiểu học Hua Ná chúng tôi thêm hiểu và chia sẻ hơn với sự nghiệp giáo dục vùng cao. Tạm biệt cô và trò nhà trường, chúng tôi mang theo nỗi niềm của thầy, cô giáo nơi đây: “Thời gian tới, điểm trường rất mong được các cấp, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, cấp phát thêm thiết bị, đồ dùng học tập để nhà trường thuận lợi hơn trong công tác giáo dục. Bên cạnh đó, cần nhiều hơn sự sẻ chia, chung tay của cộng đồng giúp học sinh vùng cao đủ đầy hơn khi đến lớp; có các chính sách hỗ trợ cho học sinh và giáo viên vùng khó…

Đó đều là những mong muốn chính đáng và rất thực tế của không chỉ điểm trường tiểu học Hua Ná mà có lẽ của hầu hết các điểm trường ở bản vùng cao của huyện. Hy vọng, thời gian không xa khi chúng tôi trở lại nơi đây, sự nghiệp giáo dục của Hua Ná nói riêng, xã Pa Khóa nói chung sẽ có nhiều đổi thay, khởi sắc từ sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước, ngành giáo dục tỉnh, huyện.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...