Thứ ba, 14/01/2025, 17:19 [GMT+7]

Nỗi lo đi bè ở Nà Ui

Thứ hai, 31/10/2016 - 14:56'
(BLC) - Mùa mưa đã qua, dây cáp nối đôi bờ suối Nậm Ui (xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên)  hư hỏng thêm vài đoạn, bè bị nước cuốn và rồi người dân bản Nà Ui lại họp bàn, góp tiền làm bè, nối dây cáp tạm để giao thông thông suốt, nối liền. Tuy vậy, mỗi lần về bản, người dân lại thường trực nỗi lo “suối nuốt người”.

Mất gần nửa ngày vượt chặng đường dài 120km từ thành phố Lai Châu về vùng cao xã Nậm Sỏ, chúng tôi phải đối mặt với sự nguy hiểm của những cung đường dốc cao, uốn khúc dày đến chóng mặt. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi được nghe Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Sỏ - Lù Văn Lỵ kể chi tiết hơn về tuyến đường độc đạo đến xã: “Trước đây, muốn vào được vùng đất này mùa mưa lũ phải đi qua phà, đò và con đường đất trơn trượt, bởi nước dâng cao, chảy cuồn cuộn; không điện, không nước sạch, cả xã gần cô lập. Còn mùa khô thì đi tạm được nhưng cũng xóc đến “lộn ruột”, đã thế bụi đất bám chặt đến từng kẽ tay, chân. Con đường nhựa nối liền huyện - xã được triển khai thi công, người dân nơi đây mừng lắm”.

Người dân đi lại trên bè với nhiều nguy hiểm cận kề.

Nhưng niềm vui vẫn chưa trọn, vì giao thông đến các bản hầu hết “tê liệt” mỗi khi mưa xuống, đặc biệt những bản phải qua những nhánh sông, suối nước chảy xiết. Mặc dù, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã triển khai được hơn nửa chặng đường nhưng ở mảnh đất xa xôi này, điều đó mới chỉ giải quyết một phần nhỏ những con đường giao thông liên xã. Còn lại, bà con đành tự tìm cách riêng để vượt qua sông, suối. Và, câu chuyện làm bè qua sông của hơn 100 hộ dân bản Nà Ui là điển hình.

Chúng tôi cùng 2 cán bộ xã đến bản Nà Ui. Cơn mưa vài ngày qua khiến mực nước của suối Nậm Ui dâng lên cao và chảy xiết hơn. Chiếc bè nằm trơ trọi trên đoạn suối sâu - nơi giao thương độc nhất của người dân trong vùng. Khi chúng tôi đến, gần chục học sinh lớp 6, 7 đang chuẩn bị lên bè đu dây trở về bản. Các em cởi áo bọc sách vở, cho vào chiếc túi lớn để tránh bị ướt nếu chẳng may ngã xuống suối. Hơn 2 tháng nay, chiếc bè đã có thêm đoạn dây cáp tự chế vắt ngang qua suối, ai muốn qua chỉ cần dùng sức kéo dây là được. Dù vậy, chỉ cánh đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh mới đủ sức kéo bè chở người, chở đồ sang bên kia suối. Có lẽ vậy, nên để đảm bảo an toàn, hai học sinh lớn nhất tình nguyện nhảy xuống suối, dùng sức đẩy bè sang bờ. 5 phút trôi qua, bè cập bến an toàn. Hai đứa trẻ lớn nhất với gọi chúng tôi: “Các cô đi luôn không, cháu kéo giúp”. Chưa kịp trả lời, chúng đã tót lên bè kéo dây cáp đến “hộ tống” chúng tôi qua suối.

Lần đầu tiên thử cảm giác chênh vênh, không điểm tựa trên chiếc bè thô sơ, chúng tôi cố hít thật sâu, nắm chặt tay để át nỗi sợ hãi. Khi đến đoạn nước sâu nhất, chiếc bè chồng chềnh, lún sâu rồi xoáy ngang khiến cô bạn đi cùng tôi suýt ngã. Để phá tan không khí, anh Lò Văn Thuận nói to: “Các cô giáo ở đây phải đi qua dòng suối này như cơm bữa, mãi rồi cũng quen”. Có lẽ vì câu nói này mà chúng tôi có thêm dũng khí vượt suối.

Qua suối, chúng tôi gặp nhiều người dân đi xe máy chở hàng từ bản xuống đang chờ bè. Cố nán lại trò chuyện với anh Lò Văn Han (người dân bản Nà Ui) chúng tôi nghe kể thêm về những khó khăn, vất vả cùng nỗi sợ hãi của Nhân dân mỗi khi đi qua vùng rốn lũ này. Anh Han kể: “Từ trước đến nay, bà con vẫn tự làm bè qua suối, hỏng thì làm lại. Hết lũ, nước xuống thấp mà bè chưa kịp làm, có thể lội qua được. Nói là lội qua nhưng cũng đến gần nửa người đấy. Vừa rồi, cả bản họp cũng quyết định đầu tư thêm cột trụ, dây cáp bắc ngang và nối dây với bè để hơn 100 hộ dân trong bản có thể đi lại an toàn hơn. Mỗi hộ đóng góp vài trăm nghìn và ngày công lao động làm tạm dây cầu treo. Cũng may, từ ngày có cáp treo, người già, trẻ em đi lại không còn lo sợ như trước nữa”.

Trong câu chuyện, anh Han có nhắc đến vài trường hợp bị rơi, ngã xuống suối, nhưng rất may chỉ thương nhẹ. Đó cũng nhờ vào tài bơi lội thành thạo của người dân sống quanh năm bên bờ sông suối. Khó khăn lớn nhất vẫn thuộc về những thầy cô gieo chữ, bám bản nơi vùng quê xa xôi này. Có lẽ vì thế, nhiều người khi đặt chân đến đây, chưa đầy một tuần đã mang ba lô về xuôi. Ngay cả những người vốn sinh ra trên mảnh đất Lai Châu cũng không khỏi hoang mang khi đi qua con suối. Cô Lù Thị Tươi - giáo viên điểm trường mầm non của bản tâm sự: “Nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn, chỉ qua suối bằng chiếc bè nhỏ, tôi run lắm. Hơn 2 tuần đi lại trên chiếc bè tạm, không ngày nào tôi không bị ướt, đôi khi rơi cả giáo án”. Giờ đây dù đã quen với cảnh lội suối, đi bè, kéo dây cáp nhưng mỗi lần vượt suối cô vẫn không khỏi rùng mình lo sợ…

Chiếc cầu bắc qua suối vẫn đang là niềm mong mỏi, khắc khoải của bà con vùng cao Nậm Sỏ. Bởi con đường huyết mạch này không chỉ là lối đi thuận tiện mà còn là cơ hội để người dân bản Nà Ui vươn lên thoát nghèo.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...