Thứ hai, 13/01/2025, 23:43 [GMT+7]

Nguy hiểm rình rập khi… thiếu cầu

Thứ tư, 24/08/2016 - 17:07'
(BLC) - Đuối nước đang là nỗi sợ hãi thường trực của bà con bản Hô Be (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) trong mùa mưa lũ. Bởi không có cầu kiên cố nên nơi đây từng xảy ra những tai nạn thương tâm khi người dân trong bản cố vượt qua dòng nước xiết trên dòng suối Hô Be.

Hiểm họa rình rập

Khi cuộc sống mưu sinh của người dân gắn liền với sông suối, núi rừng thì mối nguy hiểm lại càng cao khi mưa lũ về. Và, vụ tai nạn thương tâm do bị nước cuốn trôi vừa qua của nạn nhân Vàng A Già (bản Hô Be) vẫn khiến cả người thân và bà con trong bản không khỏi đau xót. 7 giờ sáng ngày 20/8, anh Già cùng anh trai lên lán của gia đình để trông coi trang trại. Khi đi qua suối Hô Be, anh Già nhảy qua hòn đá không may trượt chân rơi xuống suối và bị nước cuốn trôi. Hơn 9 giờ ngày 22/8, cơ quan chức năng mới tìm thấy thi thể của anh Già cách đó hơn 1km.

Anh Vàng A Chùng chỉ đoạn suối tìm thấy thi thể anh Già.

Khi chúng tôi đến nhà ông Vàng A Ly (bố anh Già) có rất đông bà con trong bản tới chia buồn cùng gia đình. Không khí tang thương bao trùm. Tiếng khóc thảm thiết của người thân bên di ảnh người quá cố khiến chúng tôi thêm xót xa. Gương mặt thất thần, anh Vàng A Chùng (anh trai của nạn nhân) nói với chúng tôi trong tiếng nấc nghẹn, hối hận: “Nếu chúng tôi không liều đi qua cây cầu gỗ (đã xuống cấp, mục nát) bên cạnh thì có lẽ không xảy ra cơ sự này”.

Tai nạn của anh Già không phải là duy nhất ở bản bởi theo lời bà con dân bản từ năm 2003 đến nay có 4 trường hợp chết đuối tại vị trí anh Già gặp nạn. Hàng năm cũng có nhiều gia súc bị nước cuốn trôi.

Nguyện vọng chính đáng

Trao đổi với chúng tôi, anh Vàng A Lềnh - Phó bản Hô Be cho biết: “Bản có 84 hộ thì có tới 62 hộ nghèo. Do cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng: trồng cây thảo quả dưới tán rừng, chăn thả gia súc… nhưng muốn vào rừng thì phải đi qua suối. Mỗi năm vào mùa mưa, nước suối dâng lên, dòng nước xiết rất nguy hiểm. Để khắc phục tình trạng đó, người dân trong bản đã tự làm cầu tạm qua suối nhưng chỉ một thời gian lại hỏng hoặc bị nước cuốn trôi”.

Theo anh Lềnh, cách đây 2 năm cũng có một trường hợp đang đi thì cầu bị gãy, nhưng may mắn người qua cầu chỉ bị thương. Từ năm 2003 đến nay, nhiều người dân trong bản kiến nghị với cấp ủy, chính quyền thị trấn, huyện mong muốn được xây dựng cầu kiên cố để người dân vơi bớt nỗi lo khi mùa mưa lũ tới”.

Tiếp lời anh Lềnh, ông Giàng A Sờ (người dân bản Hô Be) bức xúc: “Mỗi lần trong bản có người hay vật nuôi bị cuốn nước trôi lại một lần chúng tôi sợ hãi, bế tắc vì xót người, tiếc của. Giờ đây, hằng ngày chúng tôi vẫn phải đi qua con suối đó để mưu sinh. Rất mong nguyện vọng có cây cầu mới của bà con sớm trở thành hiện thực để không còn phải chứng kiến những nỗi đau tương tự”.

Ngoài đáp ứng nhu cầu bức thiết “cần một cây cầu” của dân bản Hô Be, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về mối nguy hiểm khi đi qua sông, suối mùa mưa lũ, đừng để “mất bò rồi mới lo làm chuồng”.

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...