Vì một thành phố sáng, xanh, sạch đẹp
Khu vực xảy ra bụi đường nhiều nhất là tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn ngã ba khu vực Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh). Đây là điểm tập trung 3 dự án lớn mà các nhà thầu đang tận dụng thời tiết nắng ráo đẩy nhanh tiến độ thi công. Các dự án gồm: cải cao ao cá Bác Hồ đi kèm với san gạt mặt bằng phục vụ tái định cư cho 32 hộ thuộc vùng lòng ao; tạo mặt bằng xây dựng Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Tân Phong). Toàn bộ khối lượng đất được xúc đi của 3 dự án trên đều được vận chuyển bằng xe tải trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Do đất đồi có độ kết dính cao nên đất bám vào bánh xe, trong quá trình vận chuyển không tránh khỏi tình trạng rơi vãi ra đường. Ngoài ra, việc thi công Dự án đường nối Đại lộ Lê Lợi với đường đi xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường), Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) cũng trong tình trạng tương tự.
Khối lượng lớn đất nạo vét từ lòng ao của công trình cải tạo ao cá Bác Hồ được vận chuyển đến bãi thải ảnh hưởng đến môi trường. Trong ảnh: Công ty TNHH số 10 Lai Châu thi công Dự án cải cao ao cá Bác Hồ.
Không chỉ thi công các công trình công cộng dẫn đến bụi đường như trên mà nhu cầu xây dựng mới nhà ở, khu kinh doanh, nhà hàng, khách sạn của các hộ tư nhân cũng góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là khu vực Khách sạn Tây Bắc (tổ 7, 8, 11 thuộc phường Đoàn Kết) dọc theo đường Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, các tuyến đường như: Trần Phú, Lê Duẩn… cũng ít nhiều ảnh hưởng do bụi. Các hộ dân sinh sống 2 bên đường đã khắc phục tạm thời bằng cách kéo đường ống nước ra phía trước nhà phun tưới thường xuyên nhằm hạn chế bụi.
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các xe tải vận chuyển đất đi đổ đều chấp hành nghiêm việc che bạt và quy định về khối lượng đất trên xe. Các chủ doanh nghiệp cũng có ý thức hạn chế ảnh hưởng tới môi trường từ quá trình vận chuyển đất, đá. Theo anh Ngô Kim Thang - cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH số 10 Lai Châu, khi xây dựng Đề án tham gia đấu thầu Dự án san gạt mặt bằng tái định cư khu vực ao cá Bác Hồ, Công ty cũng đã tính đến các phương án khắc phục hậu quả trong quá trình vận chuyển khiến đất, đá rơi vãi ra đường. Theo đó, đơn vị chuẩn bị 2 xe chuyên phục vụ phun nước với nhịp độ 1 giờ/lần từ công trình ra đến bãi đổ thuộc khu vực Đông Pao (khoảng cách 5km). Đồng thời, cắt cử công nhân vệ sinh đầu bãi cũng như xung quanh bãi đổ. Tuy nhiên, không thể khắc phục tuyệt đối việc ảnh hưởng do bụi đường. Dự kiến công trình hoàn thành vào ngày 10/12 năm nay, do đó, đơn vị rất mong người dân chia sẻ thực trạng này với Công ty. Về phía đơn vị sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường do việc vận chuyển đất.
Về phương án xử lý tạm thời, ông Chu Thanh Minh - Trưởng Phòng Quản lý Đô thị thành phố Lai Châu cho hay, Phòng đã phối hợp với Công an thành phố và chính quyền địa phương tổ chức gặp gỡ, vận động các đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu thi công các công trình trên địa bàn ký cam kết bảo vệ môi trường nhằm thực hiện giải pháp giữ gìn vệ sinh chung, bởi như thế không chỉ giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi tổ chức, công dân.
Có thể thấy, nếu bức tranh xây dựng của thành phố “im lìm” thì đó chính là tín hiệu đáng buồn cho sự bứt phá đi lên của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc. Và, tình trạng bụi đường do thi công các công trình xây dựng không chỉ nhằm mục đích làm cho thành phố trẻ “thay da đổi thịt” mà còn phục vụ lợi ích Nhân dân và cũng chỉ trong thời gian nhất định. Do vậy, mỗi người dân hãy cùng chung tay chia sẻ và khắc phục, tất cả vì một thành phố sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh và hiện đại.
Thu Trang
Bình luận