Lạm dụng thuốc kháng sinh: Nguy hiểm khó lường
Tại nhiều quầy thuốc trên địa bàn thành phố Lai Châu, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách vào mua thuốc. Loại thuốc được mua nhiều là kháng sinh Apixicilin, Cephalexin, Amoxilin… và điều đáng nói là hầu hết người đến mua đều không mang theo đơn. Chỉ cần nói ra mục đích sử dụng, người bán hàng đã có thể tự bán thuốc cho người bệnh. Khi tôi đưa đơn thuốc của bác sỹ vừa kê ra quầy thuốc để mua thì gặp Nguyễn Thị Phương, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu người quen cũng vào mua thuốc tại quầy. Với người không có đơn của bác sỹ thì người bán chỉ cần hỏi bệnh và tự chuẩn đoán bệnh rồi bán thuốc luôn, không cần có đơn của bác sỹ. Tôi hỏi chị Phương, sao chị không đưa con đi khám, bác sỹ kê đơn rồi hãy mua thì điều trị bệnh chính xác hơn, chị Phương hồn nhiên trả lời, “Úi dời, lần trước cũng bị như vậy mua thuốc kháng sinh về uống khỏi luôn, nên giờ cứ bị ốm là ra đây mua, có phải bệnh tật gì to tát đâu mà đi khám, phiền lắm”. Có lẽ đã và đang có rất nhiều người có suy nghĩ giống chị Phương, chỉ khi ốm đau nặng mới đi khám bác sỹ, còn chỉ ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng sơ sơ thì ra quầy mua thuốc kháng sinh với một vài loại thuốc khác đi kèm về uống là khỏi, đỡ phải đi khám bệnh, mất thời gian. Còn một số người thì tự đoán bệnh của con rồi ra quầy thuốc mua về điều trị. Nhiều người, bác sỹ chỉ kê đơn 1 lần, lần sau con bị ốm cứ nghĩ con bị ốm giống lần trước nên cầm đơn thuốc lần trước bác sỹ kê ra mua về điều trị cho con… Chính những suy nghĩ đó của người dân cộng với việc dễ dãi trong quản lý thuốc kháng sinh khiến cho bất cứ ai cũng có thể mua được thuốc kháng sinh với số lượng không hạn chế mà không cần đơn thuốc, mặc dù với các qui định hiện hành thì người bán thừa hiểu điều đó là không được phép, vì có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Văn Giang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Kháng thuốc kháng sinh tức là vi sinh vật có thể kháng lại thuốc kháng sinh dù trước đó loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị do vi sinh vật đó gây nên. Lạm dụng thuốc kháng sinh còn dẫn đến xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Những vi sinh vật như vi khuẩn, virus, vi trùng gây bệnh có thể chịu được sự tấn công của các loại thuốc kháng vi sinh vật như thuốc kháng khuẩn (ví dụ thuốc kháng sinh), thuốc chống nấm, thuốc chống vi rút, và thuốc chống sốt rét khiến cho phác đồ điều trị tiêu chuẩn trở nên vô hiệu và tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật sang người khác”.
Theo nguồn thông tin của Bộ Y tế thì trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh… Mặt khác vấn đề kháng sinh và đặc biệt là tình trạng đa kháng thuốc của vi khuẩn rất nan giải, nhất là tại các khoa Hồi sức tích cực. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh vào loại cao nhất, kéo dài ngày điều trị trung bình, tăng tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu và hồi sức.
Thuốc kháng sinh chỉ dùng để chữa các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng lâu nay, nhiều người tưởng lầm đó là loại thuốc chữa bách bệnh, dẫn đến sử dụng bừa bãi, làm cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng lan rộng. Nhiều trường hợp bệnh không cần sử dụng đến thuốc kháng sinh, nhưng người dân có tâm lý muốn nhanh khỏi nên tự ý mua kháng sinh về sử dụng, dẫn đến một số bệnh nhờn với kháng sinh và kháng thuốc. Nguy hại hơn dùng kháng sinh nhiều và ở liều cao dễ có khả năng suy tủy (chloramphenicol), suy thận và điếc (streptomycine, kanamycine). Dị ứng penicillin có thể gây mẩn đỏ, nặng hơn bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Do vậy, khi dùng kháng sinh, bệnh nhân cần có sự chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc không chỉ đủ liều mà phải đúng thời gian mới có hiệu quả và không quên theo dõi kịp thời tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn. Có như vậy mới giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và bệnh tật mới chữa trị khỏi, hạn chế và ngăn chặn được những hậu quả ngoài ý muốn.
Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh là một việc không dễ. Đòi hỏi cả bác sĩ lẫn người dân đều phải tuân thủ đúng quy định về sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh khi mắc bệnh nhiễm vi khuẩn và phải dùng đúng liều, đủ thời gian và không tự động thay đổi thuốc. Đặc biệt, đối với mỗi chúng ta hãy tự trang bị cho mình những kiến thức bệnh tật và cách sử dụng thuốc đúng mục đích. Chỉ nên mua thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sỹ, không nên sử dụng thuốc một cách bừa bãi và lạm dụng thuốc quá nhiều để gây ra tình trạng nhờn thuốc, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Mai Hoa – Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe
Bình luận