Thứ năm, 28/11/2024, 13:41 [GMT+7]

20 năm đổi mới và phát triển

Thứ sáu, 25/10/2024 - 09:55'
(L.T.S): Những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập thành phố Lai Châu (10/10/2004-10/10/2024) và 20 năm thành lập Đảng bộ thành phố Lai Châu (26/10/2004-26/10/2024), phóng viên Báo Lai Châu phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Nghiệp - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố xung quanh nội dung này.

Phóng viên (P.V): Những ngày đầu chia tách, thành lập, thành phố Lai Châu đã gặp những khó khăn, thử thách gì? Trước những khó khăn đó, UBND thành phố có những giải pháp như thế nào để tháo gỡ thưa đồng chí?
Đồng chí (Đ.C) Nguyễn Văn Nghiệp - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu: Thị xã Lai Châu khi mới chia tách, thành lập, trong điều kiện còn hết sức khó khăn. Sản xuất nông, lâm nghiệp còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 15%, thu nhập bình quân chỉ đạt 5 triệu đồng/người/năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ còn mới sơ khai. Trên địa bàn chưa có điểm du lịch nào được biết đến. Thu ngân sách đạt 7,8 tỷ đồng (năm 2005), chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương và tỉnh.
Để từng bước xây dựng thành phố Lai Châu ngày càng phát triển toàn diện, cùng với sự quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Hoạt động UBND thành phố thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, mang tính đột phá, tư duy và tầm nhìn lãnh đạo. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên UBND. Phát huy vai trò của người đứng đầu. Chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Nghị quyết của HĐND thành phố về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp. Cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu cơ bản đạt và vượt kế hoạch, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng - an ninh giữ vững, bộ máy chính quyền được củng cố và kiện toàn.

Lĩnh vực du lịch được thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư. Trong ảnh: Du khách tham quan, trải nghiệm hệ thống hang động Gia Khâu (xã Sùng Phài). Ảnh: Đông - Duy

P.V: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của thành phố Lai Châu đạt được sau 20 năm xây dựng và phát triển?
Đ.C Nguyễn Văn Nghiệp - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngành, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm, tăng hơn 12 lần so với năm 2005. Năm 2005, tổng doanh thu thương mại - dịch vụ chỉ đạt 47 tỷ đồng thì đến năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 4.400 tỷ đồng. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt trên 630 tỷ đồng. Lĩnh vực du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư, với các điểm du lịch văn hóa cộng đồng tại xã San Thàng và bản Gia Khâu 1 (xã Sùng Phài). Phố đi bộ Hoàng Diệu đưa vào hoạt động cuối tuần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Cùng với đó, hệ thống hang động Pusamcap, hệ thống hồ điều hòa khí hậu, quảng trường nhân dân, khu lâm viên... tiếp tục quan tâm đầu tư. Đẩy mạnh kết nối tour, tuyến du lịch Lào Cai - Sa Pa - Tam Đường - Điện Biên và các điểm du lịch tiềm năng lợi thế trong tỉnh, như: Cầu kính Rồng Mây, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, lòng hồ thủy điện, Di tích lịch sử Đền thờ Vua Lê Thái Tổ. Năm 2024, lượng khách du lịch đến thành phố ước đạt trên 220.000 lượt người, doanh thu đạt trên 384,8 tỷ đồng. Hiện nay, toàn thành phố có 52 sản phẩm của 25 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản phẩm đông trùng hạ thảo đang phát huy hiệu quả, tiếp tục được mở rộng quy mô sản xuất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 1,56%; hằng năm giải quyết việc làm mới cho trên 800 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt trên 86%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên 81%; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt trên 96%.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm tâm chỉ đạo quyết liệt, với 23/28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, có 16/28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác đối ngoại được quan tâm mở rộng. Công tác quân sự - quốc phòng tiếp tục được tăng cường, củng cố; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và giữ vững.

Công tác an sinh xã hội luôn được thành phố chú trọng. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an thành phố trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Giàng A Súa ở bản Cư Nhà La (xã Sùng Phài).

P.V: Thời gian tới, thành phố tiếp tục đề ra các mục tiêu trọng tâm gì để hoàn thành xây dựng thành phố Lai Châu theo các tiêu chí đô thị loại II, thưa đồng chí?
Đ.C Nguyễn Văn Nghiệp - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu: Với tiềm năng, lợi thế là một đô thị trung tâm của tỉnh, thành phố đã xác định phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu “nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp hàng hóa”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển ổn định, được mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, gồm 38 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 100km rải thảm nhựa. Các công trình phục vụ dân sinh như: cấp nước, điện chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Cùng với đó, thành phố còn lập quy hoạch các điểm du lịch, khu lâm viên, điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Lai Châu và vùng phụ cận đến năm 2035; Đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung xây dựng 2 xã San Thàng và Sùng Phài...
Với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Lai Châu trở thành đô thị ngày càng phát triển, văn minh hiện đại, mang bản sắc văn hóa dân tộc, thành phố tiếp tục gắn quy hoạch, phát triển đô thị với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; quan tâm chỉ đạo công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý xây dựng cơ bản và quản lý đất đai. Tiếp tục quy hoạch, đầu tư, xây dựng đồng bộ và khoa học hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, hệ thống trường, lớp học và các công trình phúc lợi công cộng. Công tác chỉnh trang đô thị, trồng, chăm sóc cây xanh đô thị thực hiện đồng bộ với xây dựng hạ tầng đô thị. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tạo điều kiện, thu hút đầu tư ngoài ngân sách đối với dự án hạ tầng du lịch, phát triển nông nghiệp, khu đô thị - thương mại và nhà ở.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bạch Dương - Hoài Thương (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...