Đảo Phan Vinh - Vững vàng nơi đầu sóng
Cán bộ, chiến sỹ Trạm ra đa đảo Phan Vinh làm nhiệm vụ.
Đảo Phan Vinh có vị trí đặc biệt quan trọng trong thế trận vành đai trên biển, trước đây, đảo này có tên gọi khác là Hòn Sập. Nhưng từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, đảo Hòn Sập chính thức được Quân chủng Hải quân đổi tên thành đảo Phan Vinh nhằm tôn vinh người anh hùng của những đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Chuyến công tác cùng tàu HQ 561 tới thăm, chúc tết và thay, thu quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp tới tác nghiệp tại đảo.
Đảo Phan Vinh - cái tên nói lên tất cả
Trong hải trình tới Trường Sa, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về lịch sử hình thành đảo với ký ức oai hùng của đoàn tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển do liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng.
Đêm trước khi lên đảo Phan Vinh, biển động, tàu lắc mạnh như đu võng, chúng tôi xích lại gần nhau để tránh xô dịch do sóng lớn. Khi chương trình phát thanh nội bộ và những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn là bài ca trên sóng của đoàn phóng viên với anh em thủy thủ khép lại, chúng tôi được nghe thượng tá Nguyễn Đức Độ - nguyên Phó Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân kể về liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh và lý do vì sao đảo Hòn Sập lại đổi tên thành Phan Vinh.
Khi lời kể của thượng tá Độ bắt đầu cất lên và hòa trong tiếng sóng khơi xa, cũng là lúc cánh phóng viên chúng tôi lục tục ghi chép. Để chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng hải quân Việt Nam đã không kể gian khó chuyên chở vũ khí, đạn dược bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Năm 1968, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng các đồng chí của mình quả cảm cưỡi sóng, vươn khơi với khát vọng chi viện kịp thời, giải phóng miền Nam ruột thịt. Nhưng khi tàu đến vùng biển Khánh Hòa thì bị tàu địch tập kích, bao vây hòng tiêu diệt cán bộ, chiến sỹ và nhấn chìm hàng.
Thế địch mạnh, ta yếu, nhưng bằng sự mưu trí, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội của mình kịp thời giải phóng hàng hóa tại khu vực tập kết và bất ngờ tăng tốc đánh lạc hướng địch, lừa địch rời xa vị trí thả hàng. Nhờ đó, tính mạng anh em cán bộ, chiến sỹ và hàng hóa được đảm bảo. Sau đó, anh cùng các đồng đội khác ở lại hủy tàu và chiến đấu tới viên đạn và những thủ pháo cuối cùng, quyết tâm không rơi vào tay giặc.
Sự kiên cường, mưu trí của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội của mình trở thành những tượng đài bất tử và góp phần cùng binh chủng Hải quân khẳng định sự trung thành với Tổ quốc. Trước sự hy sinh quên mình ấy, năm 1970 nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh.
Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, quần đảo Trường Sa có những diễn biến bất thường, phức tạp, một số nước có dã tâm đã toan tính chiếm đảo của ta. Tổ chức lực lượng giữ vững biển trời trở thành nhiệm vụ mang tính bức thiết của lực lượng Hải quân. Tôn vinh anh hùng Nguyễn Phan Vinh (quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và truyền thống vẻ vang của cán bộ, chiến sỹ tham gia vận chuyển trên đường Hồ Chí Minh trên biển, quân chủng Hải quân đã đổi tên Hòn Sập thành đảo Phan Vinh. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, khẳng định quyết tâm giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu chuyện của thiếu tá Độ kết thúc, chúng tôi trở lại boong của mình mà không thôi hồi tưởng về sự quả cảm của “đoàn tàu không số” và đường Hồ Chí Minh trên biển.
Xứng danh đảo mang tên người anh hùng
Từ lúc rời cảng Cam Ranh, tàu chúng tôi đã vượt 300 hải lý để tới đảo Phan Vinh. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên, không đợi báo thức của tàu, chúng tôi ùa cả ra boong và mũi tàu để ngắm đảo. Từ xa, đảo Phan Vinh sừng sững như pháo đài. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết những cây bàng vuông, cây phong ba vẫn xanh tốt, như ý chí quật cường của cán bộ, chiến sỹ nơi đây.
Trao đổi với thượng tá Tiên Quang Sự - Chính trị viên đảo Phan Vinh, chúng tôi được biết: Tiếp bước cha anh, cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đảo nhiều lần được công nhận đơn vị quyết thắng, nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen, Giấy khen của Bộ Tổng tham mưu, Chính ủy Quân chủng Hải quân do có thành tích xuất sắc trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Trạm ra đa thuộc Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 đóng chân trên đảo trong những năm qua cũng hoàn thành xuất sắc vai trò phòng không, không quân và được ví như “mắt biển canh trời” ở đảo Phan Vinh. Trên đảo còn có chùa Vinh Phúc, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, cầu an trước mỗi chuyến đi biển.
Tranh thủ thời gian ít ỏi tại đảo Phan Vinh, chúng tôi có cuộc trao đổi với cán bộ, chiến sỹ trên đảo và được biết nêu cao tinh thần cảnh giác, các anh luôn thực hiện tốt công tác huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ dẫu có khó khăn đến mấy, các anh cũng luôn nêu cao tinh thần quyết thắng, vượt qua. Cuộc sống trên đảo là đối mặt với sự khắc nghiệt, thiếu thốn, nhiều khi anh em mong có một trận mưa để thỏa thích tắm nước ngọt tới nao lòng. Nơi đầu sóng đảo thường hứng chịu những trận cuồng phong, những lúc ấy, cả đảo lại chung tay phòng chống thiên tai. Rồi nỗi nhớ đất liền tới cháy bỏng chỉ được quên đi bằng nhiệm vụ của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Khó khăn, gian khổ và tình yêu với đất liền không làm lính đảo sờn lòng, trái lại giúp các anh thêm ý chí luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Phối hợp và hiệp đồng tác chiến chặt chẽ cũng giúp cho các Trạm ra đa trên đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trung sỹ Nguyễn Tiến Thành (trắc thủ ra đa Trạm ra đa đóng chân tại đảo Phan Vinh) chia sẻ, anh em luôn được quán triệt sâu sắc trên đầu là bầu trời của Tổ quốc và không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không. Vì thế, việc tổ chức trực nghiêm ngặt, tuyệt đối không để máy bay, vật thể lạ trên không xâm phạm biển trời của quê hương. Được trang bị máy móc thiết bị hiện đại, nhưng những thiết bị điện tử lại rất “dị ứng” với gió biển. Dẫu đã được trang bị phòng làm việc tương đối hiện đại nhưng tuổi thọ của thiết bị luôn là điều cán bộ, chiến sỹ trong trạm trăn trở. Tận mắt chứng kiến anh em sau mỗi ca trực lại trong vai những kỹ sư điện tử tỉ mẩn sửa chữa, vệ sinh thiết bị, chúng tôi phần nào cảm nhận trách nhiệm của người lính ra đa ở đảo Phan Vinh.
Cán bộ, chiến sỹ đảo Phan Vinh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác vận động quần chúng. Quân với dân luôn chung một ý chí, xác định rõ nhiệm vụ như những cột mốc sống trên biển. Trong suốt những năm qua, đảo Phan Vinh cũng luôn là điểm tựa vững chắc của người đi biển. Dành dụm và tiết kiệm, hàng năm cán bộ chiến sỹ nơi đây đã hỗ trợ bà con đi biển hàng trăm lít nước ngọt; tiếp đón hàng chục lượt tàu thuyền của ngư dân vào tránh bão. Trạm Quân y đảo Phan Vinh luôn nêu cao y đức, thực hiện tốt chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo; sơ, cấp cứu, xử lý hàng trăm ca bệnh nặng cho ngư dân và người đi biển.
Chúng tôi rời đảo khi chiều buông, ánh hoàng hôn trên biển thật huy hoàng, tiếng chuông chùa Vinh Phúc lan trên từng đợt sóng. Nơi ấy có đảo Phan Vinh mang tên người anh hùng, sừng sững giữa ngàn khơi, góp phần làm nên hình hài Tổ quốc và dáng đứng Việt Nam.
Bùi Chiến
Bình luận