Thứ sáu, 10/01/2025, 12:33 [GMT+7]

Gạc Ma - khúc tráng ca giữa bao la biển cả

Thứ ba, 28/07/2020 - 12:34'
Lịch sử đã khép lại, vùng biển nơi 64 anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong hải chiến Gạc Ma năm ấy được người đi biển gọi là nghĩa trang xanh. Nơi đây, các anh đã hòa mình vào màu xanh bất tận của biển trời, góp sức mình làm nên hồn thiêng núi sông. Đã hơn 30 năm trôi qua, tàu đánh cá của bà con ngư dân, tàu hải quân làm nhiệm vụ qua vùng biển này đều tổ chức lễ tưởng niệm những người con ưu tú của đất nước.

Trong hải trình tới huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), thăm các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, chúng tôi đã xúc động làm lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã dũng cảm hy sinh ngày 14/3/1988 khi đang nhận nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Thượng tá Nguyễn Đức Độ - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân xúc động kể lại: Trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của tàu chiến kẻ địch, chiến sỹ ta vẫn dũng cảm siết chặt tay nhau tạo hàng rào trên rải san hô, quyết không cho kẻ thù xâm lấn. Xác định rõ nhiệm vụ cao cả của mình, các anh đã tích cực tuyên truyền để kẻ địch thấy rõ hành động phi lý của chúng. Nhưng tàu địch đã bất chấp Công ước về Luật biển năm 1982 và nguyên tắc không dùng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển Đông. Chúng đã ngang nhiên dùng hỏa lực mạnh và dàn quân cướp đảo. Hành động phi lý đó được xem là tấn công quân sự, chúng tiếp tục bắn phá, đốt cháy 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam gồm các tàu: HQ 505, HQ 604 và HQ 605. Kẻ địch được trang bị vũ khí quân dụng với dã tâm xâm lược đã quyết tâm nhấn chìm tàu của ta và hạ gục những chiến sỹ đang thi hành nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, vòng tròn các chiến sỹ siết chặt tay nhau đã ngã xuống biển xanh và trở nên bất tử.

Lễ Tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ trong hải chiến Gạc Ma 1988 được tổ chức trên tàu HQ 561.

Lễ Tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ trong hải chiến Gạc Ma 1988 được tổ chức trên tàu HQ 561.

Tàu địch tấn công như vũ bão, trước khi ngã xuống, thiếu úy Trần Văn Phương đã lấy thân mình làm cột cờ, ôm quốc kỳ vào ngực và động viên đồng chí, đồng đội của mình không lùi bước, chấp nhận hy sinh. Để khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, trước khi hòa mình vào đại dương xanh thẳm, hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cũng đã giành chút sức lực cuối cùng của mình để cắm cờ lên đảo. Sự hung tợn của kẻ thù hôm ấy không làm các anh nao núng. Trước lúc hy sinh, anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương vẫn nhắc đồng đội mình: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”. Tiếng nói thể hiện khát vọng khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc như vang vọng tới lớp lớp cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Hải quân. Với tinh thần còn người, còn đảo, trước sự tấn công với sức mạnh tàn bạo của kẻ địch, trưởng tàu Vũ Huy Lễ đã lệnh cho tàu HQ 505 lao vào bãi cạn Cô Lin để tiếp tục khẳng định chủ quyền của ta trên biển trước sự phi lý của quân thù.
Tiếp bước cha anh, trong những năm qua biết bao lượt cán bộ, chiến sỹ đã xung phong, tình nguyện hiến sức trẻ xây đắp đảo, giữ vững chủ quyền biển đảo thân yêu. Trung sỹ Hồ Văn Công (đảo Cô Lin) chia sẻ: Tự hào trước truyền thống anh hùng của Quân chủng sẽ luôn nguyện cùng các đồng chí, đồng đội của mình vững trí, bền lòng bảo vệ chủ quyền vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Bánh xe lịch sử đã đưa hải chiến Gạc Ma vào quá khứ, sự hy sinh của cán bộ chiến sỹ ta hôm ấy còn được sử xanh mãi lưu danh. “Vòng tròn bất tử” trên biển xanh khẳng định bầu nhiệt huyết của muôn triệu trái tim Việt luôn sẵn sàng vươn khơi giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Đây cũng là lời lên án sâu sắc trước sự hung tàn, phi lý ngang nhiên vi phạm Công ước Luật biển.
Lễ tưởng niệm khi qua vùng nghĩa trang xanh của những chiến sỹ đã hy sinh trong hải chiến Gạc Ma không chỉ thêm tôn vinh sự hy sinh anh dũng của các anh mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Trong lễ Tưởng niệm thường không thiếu những cánh hạc giấy mang theo ước vọng hòa bình.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...