Những cánh thư vượt trùng khơi
Tôi nhớ về những lá thư viết tay được dán tem bưu chính, đóng dấu bưu điện vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Đó chính là phương tiện liên lạc gần như duy nhất thời điểm bấy giờ.
Những lá thư tùy theo mục đích của người viết, được chăm chút cẩn thận từng nét chữ, nhiều khi còn được trang trí thêm cả những hình vẽ nghệ thuật, ép thêm vào đó một vài cánh hoa hoặc cành tầm gửi… Biết bao người trong chúng ta đã trải qua thời gian ấy, được tận hưởng trọn vẹn cái cảm giác hồi hộp, lâng lâng khi nhận một lá thư từ người thân yêu, rồi cũng cần mẫn, tỉ mẩn không kém để viết thư trả lời.
Hôm nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật phát triển chóng mặt từng ngày, từng giờ, những tưởng những lá thư như thế chỉ còn là miền ký ức, hoài niệm của những thế hệ đi trước.
Nhưng không! Ở nơi đảo xa, nơi đêm ngày sóng vỗ, nơi các chiến sỹ hải quân Nhân dân Việt Nam đang sát cánh bên nhau để bảo vệ bình yên chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, những lá thư tay vẫn thực sự đáng quý, là phương tiện truyền thống, quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống của cán bộ, chiến sỹ và người dân. Đó cũng chính là điểm tựa tinh thần, là liều thuốc tăng cường cho ý chí, làm nên sức mạnh thần kỳ trên biển, đảo quê hương.
Tôi nhớ mãi những ngày được theo đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đặt chân lên đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Đêm đầu tiên trên đảo thực sự khiến những nhà báo, phóng viên như chúng tôi cảm nhận được tận cùng sự trân quý những lá thư gửi từ đất liền của những người lính đảo.
Cầm lá thư của một người mẹ gửi chung cho những người lính, chiến sỹ Nguyễn Hoài Nam quây quần bên đồng đội đọc to cho mọi người cùng nghe: "Gửi con trai yêu thương của mẹ. Lời đầu thư, cho phép mẹ được gọi các con là con trai của mẹ. Mẹ cũng có một người con trai đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo. Nhưng, lá thư này mẹ muốn gửi tới tất cả các chàng trai đang là chiến sỹ, cầm chắc tay súng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Mẹ biết, các con đều rất nhớ đất liền, nhớ những người thương yêu. Nhưng các con ạ! Trách nhiệm và nghĩa vụ với Tổ quốc là điều mẹ muốn nhắn gửi. Các con hãy yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình! Nơi hậu phương, mẹ và gia đình các con luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc, theo sát các con trên những chặng đường”.
Giọng đọc ngọt ngào của chàng trai quê gốc Khánh Hòa khiến mọi người lặng đi, bao nhiêu kỷ niệm, biết bao tình cảm yêu thương đối với đất liền, với gia đình, người thương được gói trọn trong giây phút ấy.
Còn đối với chúng tôi, cảm giác tự hào nhất có lẽ chính là lúc được trực tiếp chứng kiến những người lính trẻ xa nhà, họ xúc động nhưng không hề tỏ ra mềm yếu. Sóng gió biển khơi và tình yêu quê hương, đất nước đã hun đúc trong họ một tinh thần thép, một ý chí can trường trong cuộc sống.
Để hôm nay, dẫu có khó khăn, gian khổ, thậm chí nhiều lúc thiếu thốn về vật chất, tinh thần nhưng họ vẫn hiên ngang trước biển, sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành sứ mệnh của người chiến sỹ hải quân.
Thường thì mỗi khi có đoàn công tác đến Trường Sa, những người lính đảo lại hồi hộp chờ đợi những lá thư mang tình cảm yêu thương, hơi ấm từ đất liền. Và, chính những cánh thư đó đã tiếp thêm sức mạnh, là điểm tựa tinh thần để những người lính đảo vững tay súng, bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Qua sóng biển, gió ngàn, những bức thư được mang ra đảo luôn chất chứa tình cảm, đong đầy sự yêu thương giữa đất liền với biên cương hải đảo. Đó là nỗi nhớ của người mẹ tần tảo sớm hôm quê nhà, mong muốn những đứa con nơi biên cương hải đảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đó có khi là tình cảm của những em học sinh, sinh viên ngày đêm luôn hướng về các chiến sỹ, mong các anh luôn bình an, đủ sức khỏe để bảo vệ vùng trời, biển đảo quê hương.
Giữa sóng gió khốc liệt ngàn khơi, những cánh thư viết tay thay cho muôn lời muốn nói, là nhịp cầu nối đất liền với hải đảo, là phương tiện gửi gắm niềm tin, tình yêu giữa những con người.
Cùng trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, chúng tôi được lắng nghe tâm sự của những chiến sỹ trẻ, được họ chia sẻ về cảm xúc của mình đối với những lá thư. Chiến sỹ Nguyễn Đình Lực - đảo Đá Thị, huyện đảo Trường Sa tâm sự: "Những bức thư ấm áp tình cảm từ đất liền sẽ là nguồn động lực để em và các đồng đội vơi bớt nỗi nhớ quê hương, nhớ đất liền, từ đó quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”…
Mỗi khi tàu cập cảng, rất nhiều bức thư của các em học sinh, sinh viên và người thân chiến sỹ được chuyển lên đảo. Trong đó gói trọn tình yêu thương, làm nguồn lực tinh thần quan trọng để bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chiến sỹ trẻ đảo Sơn Ca cùng đọc những lá thư được gửi từ đất liền.
Trung tá Trần Văn Quế - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: "Những lá thư gửi Trường Sa của các em, các cháu học sinh gửi ra cho lính đảo chúng tôi, sau khi cùng đọc cho nhau nghe, chúng tôi đưa vào thư viện lưu giữ cẩn thận và xem đây như một kỷ vật. Những lá thư này tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở nơi đầu sóng ngọn gió trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào”.
Là một trong những tổ chức tự nguyện, luôn lấy công tác thiện nguyện ở những vùng biên giới, hải đảo làm tôn chỉ hoạt động, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thường xuyên có thành viên đi theo các chuyến tàu ra đảo xa, họ cũng chính là những người trực tiếp kết nối để mang những lá thư từ đất liền vượt sóng đến các đảo.
Chị Nguyễn Thị Xuyến (thành viên Câu lạc bộ) cho biết: "Ngoài nhiều phần quà và nhu yếu phẩm tặng bộ đội, chiến sỹ, câu lạc bộ còn có cả những bức thư mang tình cảm, hơi ấm từ đất liền ra hải đảo. Cùng với những món quà thiết thực khác, những cánh thư góp phần thể hiện tinh thần và trách nhiệm, chia sẻ những khó khăn, vất vả của những chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc”.
Với sự góp mặt của những cánh thư thực sự mang thêm nhiều hương vị và màu sắc. Đó là vị mặn của biển, vị chát của những giọt mồ hôi trên thao trường luyện tập của những người lính trẻ và đặc biệt hơn, nơi đây còn có vị ngọt của tình thương yêu, được người dân cả nước gửi gắm qua những lá thư viết tay - một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa.
Thiên Cầm
Bình luận