Đưa du lịch Phong Thổ “cất cánh”
Nằm ở vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, huyện Phong Thổ được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ với những khu di tích nổi tiếng: Đền thờ Nàng Han, hang kháng chiến Nà Củng, di tích cấp quốc gia Di chỉ khảo cổ Nậm Tun (xã Mường So)… Đây là những tiềm năng rất lớn để huyện phát triển du lịch.
Để đánh thức tiềm năng, ngày 20/01/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau khi ban hành, Huyện ủy đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết; chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở tổ chức tuyên truyền, triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện; chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, lồng ghép thực hiện.
Đông đảo người dân và du khách tham gia Lễ hội Then Kin Pang tại xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ).
Công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh với việc huyện phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, địa phương tuyên truyền quảng bá các lễ hội, danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện. Các điểm du lịch cũng được tuyên truyền đậm nét trên trang thông tin điện tử của huyện và phương tiện thông tin đại chúng. Huyện cũng tổ chức các đoàn đi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương khác. Công tác phối hợp khảo sát, quảng bá các điểm du lịch: đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, thác Nà Đoong, đỉnh Pờ Ma Lung đã góp phần đánh thức tiềm năng du lịch của huyện.
Huyện chỉ đạo các điểm du lịch tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động hưởng ứng “Tuần Du lịch Văn hóa Lai Châu” và các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh. Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón khách du lịch; phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức các hoạt động trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn. Hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư, trong 3 năm qua, huyện hỗ trợ xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn đến một số điểm du lịch cộng đồng; bến thuyền tổ chức lễ hội đua thuyền thị trấn Phong Thổ; bến bãi té nước tổ chức lễ hội Then Kin Pang; nhà văn hóa bản Vàng Pheo (xã Mường So), nhà văn hóa xã Khổng Lào. Đã có 14 nhà của người dân 2 xã Mường So, Sin Suối Hồ được cải tạo, sửa chữa theo kiến trúc nhà ở truyền thống. 13 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà ở có phòng cho khách du lịch được hỗ trợ đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ khách lưu trú.
Xác định nguồn nhân lực du lịch có vai trò quan trọng, từ năm 2023 đến nay huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở 9 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho 220 học viên về hướng dẫn viên du lịch, kỹ năng nghề du lịch cộng đồng, porter, nghiệp vụ nấu ăn, cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống. Huyện bảo tồn 4 di sản văn hóa phi vật thể đó là: trình diễn trò chơi kéo co, nghệ thuật hát then - đàn tính, thực hành trình diễn di sản múa xòe tất cả đều của dân tộc Thái, nghi lễ Gầu tào dân tộc Mông. Khôi phục, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống như: Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Nàng Han, Then Kin Pang, Gầu Tào, Lộc Xuân, Tết quả trứng, đua thuyền…
Đồng chí Trần Bảo Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, những năm qua việc phát triển du lịch luôn được tỉnh, huyện quan tâm thông qua việc ban hành các nghị quyết, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, tổ chức các lễ hội quảng bá văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số: Mông, Thái, Dao, Hà Nhì… tăng quy mô tổ chức từ cấp xã lên cấp huyện với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn được nhiều du khách đến và tham gia trải nghiệm.
Đông đảo người dân tham gia trình diễn múa xòe của dân tộc Thái.
Để tạo điểm nhấn và tăng sức hút về du lịch, Phong Thổ còn chú trọng khai thác các tua, tuyến du lịch nội huyện, nội tỉnh, du lịch khu vực Tây Bắc, tuyến du lịch quốc tế. Có thể kể đến tuyến du lịch trải nghiệm khám phá các đỉnh núi: Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Răng cưa, Tả Liên Sơn, Sơn Bạc Mây xã Sin Suối Hồ; tuyến du lịch Hà Nội – Sapa – thành phố Lai Châu – Phong Thổ; tuyến Phong Thổ - Cửa khẩu Kim Thủy Hà - huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc)... Trong quá trình khai thác các tua, tuyến, UBND huyện đã phối hợp với các công ty lữ hành cung cấp các dịch vụ du lịch tiện ích.
Chị Nguyễn Thị Huyền - du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, lần đầu tiên đến với Lai Châu tôi khá ấn tượng với khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa độc đáo của bà con các dân tộc và được khám phá, trải nghiệm các đỉnh núi: Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Răng cưa. Tôi nghĩ rằng, Phong Thổ có rất nhiều điểm hấp dẫn mà nơi khác không có được và nhất định tôi sẽ quay trở lại thăm Phong Thổ.
Với hướng đi đúng, du lịch huyện Phong Thổ có nhiều khởi sắc, lượng du khách đến với huyện ngày càng tăng. Nếu như năm 2022 tổng lượng khách du lịch của huyện mới đạt 25.000 lượt người, doanh thu 15 tỷ đồng thì đến năm 2023, tổng lượng khách đạt 37.000 lượt người, doanh thu 18,5 tỷ đồng. Năm 2024, tổng lượng khách lên đến trên 55.000 lượt người, doanh thu 20 tỷ đồng. Du lịch phát triển góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, riêng năm 2024, du lịch quyết việc làm cho khoảng 80 lao động, mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Nghị quyết số 03-NQ/HU đi vào cuộc sống đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch huyện phát triển, giúp người dân địa phương tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Thanh Hoa
Bình luận