Thứ sáu, 10/01/2025, 10:56 [GMT+7]

Agribank Lai Châu: Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

Thứ ba, 31/12/2024 - 22:07'
Sau hơn 20 năm chia tách, thành lập tỉnh (1/1/2004-1/1/2024), Lai Châu hôm nay phát triển với diện mạo tươi sáng. Cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống của người dân ngày thêm ấm no. Kết quả này là nỗ lực, quyết tâm vượt khó vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân 20 dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Trần Mạnh Toán ở bản Huổi Bảo (xã Mường So, huyện Phong Thổ). Từ nguồn vốn vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân, anh Toán được vay 1,5 tỷ đồng (năm 2022) của Phòng Giao dịch Mường So (Agribank Chi nhánh huyện Phong Thổ) đầu tư trồng bưởi, mít, nuôi lợn, gia cầm. Đến nay, gia đình anh có 5ha trang trại với quy mô chuồng nuôi 1.000 con vịt, 20 con lợn, 20 con ngỗng và 500 cây bưởi, mít. Nhờ chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, trừ chi phí mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng, hiện anh trả được 500 triệu đồng cho ngân hàng.

Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Tây Nguyên (xã Mường So) nhờ được tiếp cận nguồn vốn kịp thời, thủ tục vay nhanh gọn qua Phòng Giao dịch Mường So, anh đầu tư mở siêu thị điện máy và thiết bị vệ sinh Cường Thơm. Anh Cường chia sẻ: “Tháng 9/2024, tôi vay qua Phòng Giao dịch Mường So 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn phát triển kinh doanh đầu tư thêm siêu thị kinh doanh các mặt hàng điện máy, điện lạnh, thiết bị vệ sinh… Mặc dù bỏ ra số vốn lớn nhưng bù lại việc kinh doanh thuận lợi, tiến triển tốt. Gia đình còn kinh doanh thêm cửa hàng bán xe máy, tạp hóa, mỗi năm trừ chi phí thu nhập 200-300 triệu đồng”.

Anh Lê Quang Minh - Giám đốc Phòng Giao dịch Mường So cho biết: “Những năm qua, phòng giao dịch thực hiện đầu tư tín dụng theo đúng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, tổng nguồn vốn 282 tỷ đồng, dư nợ 162 tỷ đồng với 750 khách hàng vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, tiêu dùng. Các nguồn vốn phát huy hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Với nhiều thành tựu quan trọng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh, có sự đồng hành quan trọng của Agribank Chi nhánh tỉnh Lai Châu.

Thành lập năm 2017, Hợp tác xã nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ do anh Nguyễn Trần Văn là Giám đốc đã vay vốn Agribank Chi nhánh huyện Sìn Hồ với số tiền trên 1 tỷ đồng đầu tư trồng, chế biến dược liệu. Đến nay, hợp tác xã có 1,5ha Atiso, 2.000m2 đương quy, 30 vạn cây giống đương quy, 5.000m2 khoai tây và 7/10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ dược liệu. Tạo điều kiện cho 5-10 lao động thời vụ  với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

Theo anh Hoàng Văn Long - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Sìn Hồ, chi nhánh luôn đồng hành cùng bà con trong phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên cử cán bộ tín dụng tư vấn các gói tín dụng cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục vay. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc giúp khách hàng vận dụng nguồn vốn vay đầu tư hiệu quả. Hiện, Agribank Chi nhánh huyện Sìn Hồ có tổng dư nợ 243 tỷ đồng với 1.446 khách hàng, dư nợ tăng 46 tỷ đồng so với đầu năm 2024; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn 205 tỷ đồng, trở thành cầu nối đồng hành cùng người dân cao nguyên Sìn Hồ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Xác định vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Agribank Chi nhánh tỉnh lựa chọn lĩnh vực “nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”. Agribank đẩy mạnh triển khai rộng khắp cho vay trực tiếp đến người dân nhằm hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Đến nay, Agribank Chi nhánh tỉnh có tổng dư nợ 8.800 tỷ đồng (riêng cho vay nông nghiệp nông thôn 4.200 tỷ đồng), trong đó dư nợ khách hàng cá nhân 3.000 tỷ đồng, khách hàng doanh nghiệp 5.800 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động tại địa phương 4.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tiền gửi dân cư 4.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Đình Kính - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh khẳng định: “Để chủ động kinh doanh phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhà, chi nhánh có nhiều giải pháp đổi mới phương thức hoạt động. Trong đó, tăng cường liên kết với tổ chức hội, đoàn thể để chuyển tải từng đồng vốn đến tận tay các hộ nông dân, cá nhân và hộ gia đình. Đảm bảo vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Ngoài ra, Agribank luôn đồng hành với công tác an sinh, phúc lợi xã hội, các chương trình từ thiện. Trong đó, những món quà ân tình, khoản tiền giúp đỡ người có công với cách mạng, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài… phần nào chia sẻ khó khăn, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần mọi người vươn lên trong cuộc sống. Năm 2024, Agribank Chi nhánh tỉnh thực hiện công tác an sinh xã hội với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.

Với vai trò là đơn vị đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Agribank Chi nhánh tỉnh đã và đang góp sức vào thành tựu chung phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đồng thời trở thành người bạn đồng hành tin cậy, thân thiết của hàng vạn hộ nông dân, các khách hàng là tổ chức kinh tế, cá nhân trong toàn tỉnh.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...