Thứ sáu, 10/01/2025, 10:29 [GMT+7]

Tạo điều kiện giúp nhân dân tiếp cận vốn vay

Thứ ba, 31/12/2024 - 19:33'
(BLC) - Xác định nguồn vốn đóng vai trò quan trọng, giúp nhân dân đầu tư cây, con giống phục vụ sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tam Đường tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân tiếp cận vốn vay, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Hồ Thầu là xã vùng cao của huyện Tam Đường, với 2 dân tộc (Kinh và Dao), trong đó dân tộc Dao chiếm 88%. Toàn xã có 8 bản với hơn 700 hộ, trên 3.000 nhân khẩu, xã có 4 bản đặc biệt khó khăn (Tà Chải, Phô Hồ Thầu, Rừng Ổi Khèo Thầu, Chù Lìn). Những năm qua, nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Đây là điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác có được nguồn vốn để phát triển sản xuất, mở rộng chăn nuôi.

Với mong muốn có cuộc sống khấm khá hơn, được sự tuyên truyền của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), năm 2022 gia đình anh Phàn A Mau C ở bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng - nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tam Đường. Với số tiền 100 triệu đồng cùng với số tiền tích cóp của gia đình, anh Mau C đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 3 con trâu sinh sản để phát triển chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đến nay mô hình chăn nuôi của gia đình anh Mau C phát triển tốt và đã có thêm 2 con trâu. Thời gian tới, gia đình anh tiếp tục chăm sóc đàn trâu, tích cực trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao để mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.

1

Từ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tam Đường, người dân bản Chù Lìn (xã Hồ Thầu) mua trâu sinh sản phát triển kinh tế.

Bản Chù Lìn là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Hồ Thầu. Hiện bản có 142 hộ, trên 680 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trao đổi với chúng tôi, anh Lý A Gôn - Trưởng bản Chù Lìn cho biết: Trước đây, người dân trong bản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thời gian qua, từ nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giúp cho bà con trong bản mua cây, con giống phát triển kinh tế. Đặc biệt, mô hình nuôi trâu sinh sản từ nguồn vốn vay lãi suất thấp đã giúp bà con có điều kiện vươn lên thoát nghèo, kinh tế khấm khá hơn trước rất nhiều. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 19,7%.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, xã Hồ Thầu đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện tốt việc quản lý nguồn vốn, việc chọn đối tượng cho vay, kiểm tra việc sử dụng đồng vốn vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, các nguồn vốn vay đều đảm bảo sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Đến tháng 12/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng do các hội, đoàn thể xã quản lý đạt gần 39,2 tỷ đồng thông qua 11 tổ TK&VV, với tổng gần 1.000 lượt hộ vay để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nguồn vốn vay đã giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thời gian tới, các hội, đoàn thể xã Hồ Thầu sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Phạm Hồng Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: “Thời gian qua, xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, trả lãi đúng thời gian quy định. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2024 giảm 9%, đến nay tỉ lệ hộ nghèo còn 24,57%. Nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình từ Ngân hàng CSXH chính là đòn bẩy giúp nhân dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển". 

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...