Thứ sáu, 10/01/2025, 10:35 [GMT+7]

Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thứ năm, 09/01/2025 - 09:22'
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa được huyện Tam Đường xác định là một trong những giải pháp quan trọng để ngành nông nghiệp bắt kịp được với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. Đây cũng là hướng đi nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ nhằm mang lại giá trị kinh tế cao.

Một ngày cuối năm, chúng tôi về thăm các xã: Bản Hon, Bình Lư, Sơn Bình và Bản Bo (huyện Tam Đường) để được “mục sở thị” hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho thị trường dịp tết Nguyên đán. Trên gương mặt của người dân nơi đây rạng ngời, phấn khởi với kết quả sau một năm ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, đời sống, vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên với nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, như: chè, miến dong, cá tầm, cá hồi, gia súc, gia cầm.

Đối với sản phẩm chè, hiện nay, trên địa bàn huyện có 2.222,3ha chè tập trung, trong đó, 1.836ha chè cho thu hoạch sản lượng chè búp tươi đạt hơn 17.000 tấn/năm 2024, trị giá trên 83 tỷ đồng. Hàng chục công ty trên địa bàn ký hợp đồng với người dân cung ứng phân bón trả chậm, bao tiêu sản phẩm chè búp. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ sâu, rầy. Từ sản phẩm chè búp, các công ty sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm chè nổi tiếng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, như: matcha, ôlong, kim tuyên, sencha, hồng chè, đông phương mỹ nhân... Huyện giữ vững và phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Chè Tam Đường” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp năm 2017. Với đó, huyện đã có 6 sản phẩm chè đạt OCOP 4 sao và 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đèo Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Bản Bo có 7 nhà máy chế biến chè khô của các công ty vừa và nhỏ, tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Từ đó, các công ty sản xuất đa dạng sản phẩm chè khô đạt tiêu chuẩn Châu Âu cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, các công ty trên địa bàn bận rộn với việc cung ứng sản phẩm chè khô đóng gói cho các bạn hàng trong nước và quốc tế. Toàn bộ sản phẩm chè khô đóng gói của xã còn được bán lẻ tại các siêu thị trong nước”.

Dịp cuối năm, Cơ sở sản xuất miến dong Vững Tâm (bản Toòng Pẳn, xã Bình Lư, huyện Tam Đường) tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mặc dù, làng nghề sản xuất miến dong Bình Lư (huyện Tam Đường) sản xuất, kinh doanh quanh năm nhưng nguồn tiêu thụ miến lớn nhất của người dân là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán. Thời tiết cuối các năm trước đây thường mưa phùn, gió bấc kéo dài, sản lượng miến của làng nghề không đủ cung ứng cho thị trường. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ những năm trước, từ cuối tháng 9, 10 âm lịch năm nay, nhiều hộ tranh thủ sản xuất miến để cung cấp đủ lượng hàng, đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng dịp cuối năm. Thời điểm cuối năm 2024, các cơ sở sản xuất miến dong Bình Lư tất bật chuẩn bị phục vụ cho khách hàng khắp mọi miền Tổ quốc. Toàn xã có tổng sản lượng miến đạt hơn 200 tấn/năm, với gần 100 hộ sản xuất, kinh doanh miến dong. Sản phẩm “Miến dong Bình Lư” đã trở thành thương hiệu uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hơn 20 năm, gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường ở bản Thống Nhất (xã Bình Lư) gắn bó với nghề sản xuất, kinh doanh miến. Để sản xuất miến hiệu quả, ông từng bước phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm miến dong chất lượng cao, tiếp cận với thị trường lớn trong nước. Ông ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thay thế các loại máy ép sợi miến bán tự động, máy đánh bột; thay phên tre, nứa bằng phên lưới để phơi miến. Hiện, ông thành lập Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp sạch Ngọc Cường chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm miến cao cấp có tên gọi “Miến Gia Huy”, với mẫu mã đẹp, sợi miến nhỏ, thẳng, đều, thơm, ngon. Ông Cường tâm sự: “Thời điểm cuối năm 2024, tôi duy trì 3 cơ sở của hợp tác xã hoạt động sản xuất miến dong hết công suất. Hợp tác xã tạo việc làm ổn định cho 9 nhân công, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, hợp tác xã bán ra thị trường 27 tấn miến dong, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng”.
Ngoài ra, huyện Tam Đường còn quan tâm thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào liên doanh, liên kết với người dân, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp với người dân đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: chanh leo, chuối, cây ăn quả ôn đới. Với đó, bà con chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Toàn huyện có tốc độ tăng trưởng đàn gia súc 6%/năm; tổng đàn gia súc 39.100 con; 253.000 con gia cầm và 4.798 đàn ong.
Đồng chí Nguyễn Đình Thượng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Hiện, trên địa bàn huyện đa dạng sản phẩm nông nghiệp cung cấp thị trường. Kinh tế nông nghiệp huyện chuyển dịch tích cực, chất lượng cuộc sống của nông dân được cải thiện và nâng cao. Các công ty, hợp tác xã và người dân chủ động phát triển sản phẩm OCOP, duy trì nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp huyện có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đạt trên 46 triệu đồng/người/năm”.
Nhờ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông dân thu nhập cao từ chăn nuôi, trồng trọt, thúc đẩy kinh tế - xã hội Tam Đường thêm khởi sắc.

T.M

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...