Thứ tư, 15/01/2025, 16:34 [GMT+7]

Gian lận thương mại điện tử: Sẽ không còn "đất" sống?

Thứ tư, 17/04/2019 - 10:09'
Thương mại điện tử đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, hoạt động này đang phát sinh nhiều hành vi gian lận, rủi ro làm người tiêu dùng mất lòng tin. Một kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại đang được xây dựng với hy vọng hành vi gian lận sẽ không còn "đất" sống.

1

Bộ Công Thương đang lập kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận trên các website thương mại điện tử.

Vi phạm diễn ra phổ biến

Theo bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chính sách (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, khi tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh ngày càng tăng…

Tuy nhiên, theo ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... Không khó để nhận thấy trên một số trang bán hàng online rao bán nhiều sản phẩm với giá rẻ đến bất ngờ. Điển hình như trên trang Vatgia online, đồng hồ Rolex E10 có giá 599.000 đồng; đồng hồ nhãn hiệu Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm... Trong khi giá chính hãng của những sản phẩm này lên tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.

Chị Đỗ Quyên (phòng 412, Khu tập thể A6, phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), một "tín đồ" mua hàng online chia sẻ, một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook quảng cáo "giảm giá 50% cho tất cả nhãn hàng" nên chị đã đặt mua một vài sản phẩm trị giá gần 900.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng chị mới phát hiện sản phẩm không có tem chống hàng giả, các đặc điểm nhận dạng sản phẩm đều khác hàng “xịn”. Sau đó, chị đã liên hệ với chủ hàng thì không thể kết nối. Trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng qua Facebook như chị Đỗ Quyên không còn là chuyện hiếm.

Ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ cho rằng, với đặc thù người bán, người mua không trực tiếp gặp nhau, nên xảy ra trường hợp hàng giao không đúng như giới thiệu về cả mẫu mã và chất lượng. Trong trường hợp này, nếu người bán cố tình lừa đảo, người mua đã thanh toán tiền trước thì phần thiệt luôn là người mua và rất khó xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều website giả mạo doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... xuất hiện ở thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo cơ hội để thao túng hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin, thanh toán bất hợp pháp xuyên biên giới. Hàng hóa, dịch vụ vi phạm chủ yếu là thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ điện tử...

Cần chế tài đủ sức răn đe

Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật còn khá phổ biến. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.

Đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho thấy, khó kiểm soát chất lượng hàng hóa khiến lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn cao… là những cản trở cho sự bứt phá của thương mại điện tử trong giai đoạn tới.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù hành lang pháp lý về thương mại điện tử (Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ngày 16-5-2013) đã được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu về quản lý thương mại điện tử tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường thương mại điện tử thay đổi liên tục đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ bổ sung, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP, tạo chế tài đủ mạnh nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có kế hoạch hợp tác với các ngành liên quan để xóa tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng.

Để ngăn chặn vấn nạn này, ông Đàm Thanh Thế cho biết, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã, đang xây dựng dự thảo kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại… Các lực lượng chức năng trung ương và địa phương được phân công thực hiện kế hoạch phải phân định đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo; nâng cao trách nhiệm, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật. 

Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển bền vững thương mại điện tử ở nước ta.

Theo THANH HIỀN /hanoimoi.com.vn / 06:58 thứ tư ngày 17/04/2019

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...