Thứ tư, 15/01/2025, 16:25 [GMT+7]

Người trồng mía khốn đốn do thiếu đầu ra

Thứ hai, 25/03/2019 - 10:43'
Thời điểm này, nông dân xã Bản Giang (huyện Tam Đường) bước vào thu hoạch vụ mía mới nhưng những cánh đồng mía cũ vẫn bạt ngàn. Người trồng mía đang khốn đốn do thiếu đầu ra và rớt giá.

12

Người dân ở bản Nà Cơ (xã Bản Giang) bán rẻ mía cho tư thương.

Đi dọc tuyến đường nội bản Nà Cơ giữa tháng 3, chúng tôi thấy mía xếp đống hai bên lề đường chờ xe vận chuyển. Không khỏi tò mò, chúng tôi dừng xe tìm hiểu và được biết chị Hồ Thị Lưu ở thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) thuê 3 lao động thu mua mía cho bà con với giá rẻ để bán cho Công ty Mía đường Sơn La (tỉnh Sơn La). Với 20 tấn mía, chị Lưu mua của bà con 11 triệu đồng (1kg mía có giá 550 đồng). Đây là chuyến mía đầu tiên, lái xe ôtô của gia đình chị chưa quen đường nên việc vận chuyển chậm. Chị Lương Thị Yến - người trực tiếp thu mua mía giúp chị Lưu tâm sự: “Chúng tôi đến bản Nà Cơ với mục đích tuyên truyền, vận động bà con ký hợp đồng trồng và cung ứng sản phẩm mía đường cho Nhà máy Mía đường Sơn La. Đến bản, chúng tôi thấy bà con loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm mía mềm. Tôi liên hệ với Nhà máy Mía đường Sơn La và được nhất trí thu mua mía mềm với giá rẻ để bà con dọn vườn, trồng vụ mía đường mới. Đây là giải pháp giúp người trồng mía nơi đây “giải phóng” sản phẩm mía năm cũ, trồng giống mía đường cho vụ mới”.
Từ lâu, cây mía ở bản Tẩn Phủ Nhiêu giúp nông dân thoát nghèo. bà con mở rộng diện tích mía thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Năm qua, bà con trong bản trồng 15ha mía. Đây đã là thời điểm cuối vụ nhưng đến nay bà con mới bán được 50% diện tích mía; trong khi thời điểm này của năm trước mía đã thu hoạch xong. Gia đình anh Châu A Kiếng ở bản Tẩn Phủ Nhiêu nhiều năm gắn bó với ruộng mía với hơn 13 nghìn cây. Trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi, gia đình anh bán buôn tại vườn với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/cây mía chọn, mỗi ngày bán từ 70 - 100 cây. Đến nay, anh mới bán được 5 nghìn cây. Mía ế, đổ ngổn ngang khiến anh phải bán với giá 1.000 đồng/cây to và 550 đồng/kg (cây nhỏ). Anh Kiếng cho biết: “Chưa năm nào gia đình tôi khốn đốn như năm nay. Gia đình tôi đang dồn nhân lực chặt, bán mía cho tư thương với giá rẻ để “vớt vát” vốn. Với giá mía hiện nay, tôi ước tính gia đình lỗ khoảng 20 triệu đồng tiền mua phân bón”.
May mắn hơn anh Kiếng, anh Châu A Goong ở bản Tẩn Phủ Nhiêu trồng 0,5ha với 30 nghìn cây mía. Đầu vụ (tháng 10/2018) anh bán cả vườn mía cho tư thương với giá 85 triệu đồng, thu lãi 60 triệu đồng. Thời điểm này, gia đình anh đang bón thúc và vun xới đợt một cho mía. Theo anh Goong thì việc bán lẻ mía lãi gấp đôi so với bán cả vườn. Tuy nhiên, gia đình anh không có nhân lực ngồi bán lẻ tại chợ. Việc bán cả vườn mía là giải pháp hiệu quả nhằm giảm sức lao động và thu được 1 khoản tiền lớn.
Trên gương mặt người trồng mía của bản Nà Sài toát lên nỗi buồn và mong muốn có đầu ra cho sản phẩm mía với giá ổn định. Năm trước, bà con thu lãi 15 triệu đồng/1.000m2 mía. Nhưng năm nay, tiền mía không đủ trả tiền phân bón. Mía của bà con nơi đây còn khá nhiều nhưng không ai mua. Đến tháng 4 mưa nhiều, mía nhạt cũng phải chặt bỏ.
Diện tích mía của xã Bản Giang không ngừng tăng lên. Năm 2014, xã chỉ có 15ha nhưng nay tăng lên 31ha. Toàn xã có tổng sản lượng mía đạt 1.550 tấn. Trước đây, mía tập trung nhiều ở bản Tẩn Phủ Nhiêu nhưng nay người dân ở các bản: Nà Bỏ, Bản Giang, Cốc Pa, Nà Cơ, Nà Sài cũng chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ lúa sang trồng mía. Việc mở rộng diện tích mía ở Bản Giang khiến sản phẩm mía tăng cao, trong khi nhu cầu thị trường giảm. Dù người trồng mía chủ động tìm kiếm tư thương đến thu mua tại ruộng và đưa ra các chợ trong tỉnh bán lẻ, tuy nhiên bà con mới chỉ bán được 50% sản lượng mía.
Thiếu đầu ra, rớt giá, người trồng mía khốn đốn. Bà con mong tỉnh, huyện Tam Đường sớm giúp tìm đầu ra cho sản phẩm mía Bản Giang. Như vậy, bà con mới yên tâm gắn bó với nghề trồng mía nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...