Nghịch lý giá lợn thương phẩm
Trên địa bàn thành phố Lai Châu có tới vài trăm hộ kinh doanh, buôn bán thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn. Giá thành thịt lợn trắng từ 70 - 100 nghìn đồng/kg. Thịt lợn được người bán chia thành 2 loại: thịt lợn đen do người dân địa phương nuôi) và thịt lợn nuôi thương phẩm do các hộ chăn nuôi công nghiệp hoặc nhập từ các tỉnh miền xuôi lên. Giá thành của các loại thịt này chênh nhau từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. Sở dĩ có sự chênh lệnh giá đó được cho là lợn do người dân tự nuôi giống địa phương, không ăn thức ăn công nghiệp và được gọi là lợn “sạch”. Do vậy, dù giá thành cao nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Còn đối với các sản phẩm khác được chế biến từ thịt lợn như: giò, mọc, thịt sấy… hầu như vẫn giữ nguyên mức giá bán lẻ. Đối với điểm chợ tại các xã vùng nông thôn, giá thịt lợn thấp hơn từ 10 - 15 nghìn đồng/kg.
Ông Tho (thứ nhất từ phải sang) chia sẻ khó khăn duy trì, tái đàn trong chăn nuôi lợn hiện nay.
Nếu đem so sánh giữa giá bán thịt lợn tại các chợ hiện nay với giá thành 1kg lợn hơi được tiểu thương thu mua của người chăn nuôi thì có sự khác biệt rất lớn. Giá bán 1kg thịt lợn cao gấp 2 - 3 lần so với giá lợn hơi. Giá lợn hơi tại khu vực thành phố, trung tâm dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, còn tại các xã, điểm chăn nuôi ở khu vực nông thôn có nơi giá thu mua 18 nghìn đồng/kg. Còn với giống lợn của người dân địa phương (lợn đen) có giá từ 32 - 38 nghìn đồng/kg. Giá thành rẻ là vậy mà nhiều hộ chăn nuôi vẫn không bán được lợn. Việc giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục trong thời gian gần đây khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.
Là hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi lợn thương phẩm, gia đình ông Lương Văn Tho ở bản Hương Phong (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố và đầu tư hàng tỷ đồng mua thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi hơn 400 con lợn. Hiện nay, giá lợn hơi xuống thấp khiến gia đình ông gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, duy trì đàn. Chỉ tính riêng tiền thức ăn 1 ngày tốn từ 5 - 7 triệu đồng. Lợn đã đến ngày xuất bán nhưng không có thương lái đến mua, bần cùng lắm ông Tho tìm ra giải pháp là xin với chính quyền địa phương được tự mổ lợn để bán thịt cho người dân. Ông Tho chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi đang dựng lán trước cửa nhà chuẩn bị cho việc mổ lợn bán với mong muốn thu lại ít vốn bỏ ra mua thức ăn chăn nuôi. Tôi sẽ bán rẻ hơn ít nhất là 10 nghìn đồng/kg so với giá mặt bằng chung. Chất thải, nước thải trong quá trình mổ được dẫn đến hầm bioga của gia đình và gia đình tuân thủ quy định kiểm dịch của ngành chức năng”.
Không phải hộ chăn nuôi nào cũng có điều kiện tự giết mổ và bán thịt lợn như gia đình ông Tho. Nhiều hộ chăn nuôi lợn với số lượng vừa và nhỏ (vài chục con) vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho đàn lợn thương phẩm. Khi đàn lợn chưa bán được đồng nghĩa với việc không thu hồi vốn khiến nhiều người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần. Cùng với đó, giá thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi lợn trong thời gian này không giảm, làm ảnh hưởng đến việc duy trì đàn.
Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi vẫn được ngành chức năng vào cuộc quyết liệt. Chị Nguyễn Thị Bích Thuận - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Đường cho biết: “Ngoài đảm bảo kiểm dịch việc giết mổ động vật trong chăn nuôi tại các chợ, thời điểm này, đội ngũ cán bộ chăn nuôi và thú y phối hợp với chính quyền xã còn đến các hộ chăn nuôi, nhất là hộ có ý định tự giết mổ lợn tư vấn, hướng dẫn quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh, kiểm dịch việc giết mổ gia súc”.
Hiện nay, việc tái đàn của các hộ chăn nuôi ở mức thấp, đây là điều đáng lo ngại, bởi trong thời gian tới, nguồn cung giảm, lượng lợn thịt khan hiếm sẽ tác động không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân…
Kim Oanh
Bình luận